Những thói quen khiến buổi sáng của bạn trở nên mệt mỏi

(VOH) – Chúng ta khi thức dậy đều muốn bản thân tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, một số thói quen dưới đây có thể khiến cơ thể vào buổi sáng trở nên mệt mỏi.

Khi thức dậy, chất lượng giấc ngủ và tâm trạng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một ngày làm việc tích cực và hiệu quả. Tờ Daily dẫn lời ông g Karan Raj, bác sĩ đồng thời là giảng viên tại Đại học Sunderland (Anh) rằng, thói quen tắt đồng hồ báo thức để ngủ lại, uống cà phê quá sớm hay lướt điện thoại khi vừa thức,... đều là những thói quen sẽ khiến cơ thể mệt mỏi vào buổi sáng, thậm chí là cả ngày.

Dưới đây là 6 thói quen xấu được các chuyên gia cảnh báo có thể khiến buổi sáng của bạn mệt mỏi và làm giảm năng suất làm việc trong ngày.

1. Tắt đồng hồ báo thức để ngủ lại

Theo tiến sĩ tâm lý Amanda Darnley (Philadelphia, Mỹ), nhấn nút đồng hồ “báo lại” là cách để được ngủ thêm một chút, nhưng nó không thực sự giúp bạn nghỉ ngơi mà chỉ tạo ra căng thẳng nhiều hơn. Việc “ngủ ráng” khiến bạn bị cắt giảm thời gian thực sự cần để sẵn sàng và chuẩn bị tinh thần cho một ngày mới.

Do đó, thay vì tắt đồng hồ báo thức để ngủ lại bạn hãy tìm động lực để ra khỏi giường, chẳng hạn như làm món ăn sáng yêu thích hoặc pha một tách cà phê nóng hổi.

2. Mở điện thoại ngay khi ngủ dậy

Những thói quen khiến buổi sáng của bạn trở nên mệt mỏi 1
Thói quen xem điện thoại ngay khi thức dậy có thể khiến tâm trạng trở nên tồi tệ 

Rất nhiều người có thói quen khi vừa mở mắt liền lập tức cầm điện thoại, máy tính bảng lướt mạng xã hội hay kiểm tra tin nhắn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, hành vi này có khiến tâm trạng trở nên tồi tệ và cản trở năng suất làm việc.

Tiến sĩ Darnley cho biết, tiêu tốn thời gian cho việc lướt mạng, đọc tin tức có thể dẫn đến việc bạn phải vội vã cho các hoạt động khác của buổi sáng. Thậm chí những thông tin bạn nhận được khi lướt mạng xã hội cũng có thể khiến bạn căng thẳng và lo lắng.

3. Không cho bản thân có đủ thời gian chuẩn bị

Theo nhà trị liệu tâm lý, diễn giả Aimee Bernstein (Florida), một người bình thường cần ít nhất 30 phút để tỉnh táo sau khi thức dậy. Nếu bạn không có thời gian để thực sự thức dậy, bạn sẽ có nguy cơ bị cuốn theo người và tình huống khác, làm cạn kiệt năng lực.

Cho nên mỗi buổi sáng khi thức dậy, bạn cần dành chút thời gian để cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống, cảm nhận bạn đang ở đâu, cảm nhận hơi thở của mình và tỏ lòng biết ơn những gì bạn đang có.

4. Không dọn giường

Một số người thường không chú trọng việc dọn giường, thế nhưng nó thực sự giúp ích trong việc cho bạn có một ngày làm việc hiệu quả.

Theo bà Bernstein, việc xếp gọn gàng chăn màn là một hành động giúp bạn trở thành người gọn gàng và có tổ chức, nó dẫn đến cảm giác hạnh phúc và tạo ra nguồn năng lượng tích cực trong cơ thể.

5. Ăn ngay các loại đồ ngọt và tinh bột

Những thói quen khiến buổi sáng của bạn trở nên mệt mỏi 2
Ăn bánh ngọt vào buổi sáng dễ khiến lượng đường trong máu tăng cao

Các loại bánh kẹo ngọt là món ăn khoái khẩu của nhiều người vào buổi sáng, nhưng nó lại có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt. Chuyên gia Nielsen cho biết, tâm trạng và sự tập trung của con người tuân theo lượng đường trong máu. Bạn ăn quá nhiều tinh bột buổi sáng có thể khiến lượng đường trong máu tăng, từ đó ảnh hưởng năng suất, tâm trạng và sự tập trung.

Thay vì chỉ tập trung vào đường và tinh bột, bữa ăn sáng của bạn nên có sự cân bằng giữa tinh bột với protein, chất béo lành mạnh và rau xanh.

6. Uống cà phê ngay khi thức dậy

Cà phê là thức uống yêu thích của rất nhiều người, nhưng các chuyên gia khuyến cáo không nên uống cà phê ngay khi thức dậy.

Cortisol là hormone căng thẳng được cơ thể tạo ra để duy trì tỉnh táo và tăng đường huyết. Cơ thể sẽ tạo hormone này nhiều nhất trong khoảng 30 – 45 phút sau khi thức dậy. Nếu bạn uống cà phê vào thời gian này, chất cafein trong cà phê sẽ có tác dụng cùng lúc cơ thể tiết ra cortisol, điều này khiến cho tác dụng tỉnh táo của cà phê bị kém đi.

Thay vì uống cà phê khi vừa ngủ dậy, bạn có thể uống trong khoảng thời gian từ 9h30 – 11h30 để đảm bảo năng lượng không bị tiêu giảm, đồng thời tác dụng giúp tỉnh táo của cà phê sẽ phát huy hiệu quả hơn.

Nguồn ảnh: Internet