Những 'vầng trăng khuyết' vượt lên số phận

(VOH) - Các chị em phụ nữ khuyết tật đã có nhiều nỗ lực vượt khó, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực.

Hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998-18/4/2022), Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức chương trình “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết năm 2022”, nhằm tuyên dương, động viên, các chị em phụ nữ khuyết tật đã có nhiều nỗ lực vượt khó, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực.

Những 'vầng trăng khuyết' vượt lên số phận 1
Tuyên dương gương phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Tại đây, các chị có buổi giao lưu để tiếp thêm động lực cho nhau và giới thiệu những sản phẩm, tìm kiếm đối tác và chia sẻ con đường vượt lên số phận của chính mình. Những người phụ nữ ấy, có người bị khuyết tật chân tay bẩm sinh, có chị bị khiếm thính, khiếm thị, có chị bị liệt cả hai chân nhưng ở họ luôn có một sức sống mãnh liệt để sống hòa nhập và giúp ích cho gia đình, xã hội.

Đó là chị Trần Thị Ngọc Hiếu ngụ phường Cô Giang, quận 1. Chị bị liệt hai chân và một bàn tay từ nhỏ, bằng sự nỗ lực và khả năng sáng tạo, chị đã gửi gắm lòng mình vào những con ốc, làm nên những bức tranh, đồ dùng thủ công tinh xảo.

Năm 2021, dự án “Hoa ốc” chị Hiếu vinh dự nhận giải thưởng sáng tạo tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” : “Tôi hy vọng tất cả chị em phụ nữ đều nhìn thấy giá trị của mình từ đó làm được điều mà mình mong muốn. Tôi đang rất nỗ lực để thực hiện dự án của mình trong năm 2022 này, đó là dự án hoa ốc và có thể tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ khuyết tật. Hy vọng trong tương lai thì Hội LHPN có thể đồng hành nhiều hơn nữa để giúp các chị em khác có công việc, nuôi sống bản thân và nâng cao giá trị của bản thân”.

Từ sự nỗ lực của chính bản thân và sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM các cấp như: tạo điều kiện cho các chị em phụ nữ khuyết tật được học tập, học nghề, vay vốn, tạo việc làm phù hợp, tập huấn kỹ năng,... nhiều hội viên phụ nữ khuyết tật của Thành phố đã vươn lên, khẳng định bản thân, có được việc làm ổn định, xây dựng kinh tế gia đình, thậm chí tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác. 

Điển hình như chị Nguyễn Thị Diệu Linh, ngụ phường Tân Kiểng, Quận 7 chia sẻ về cách mà chị vượt qua được mặc cảm của số phận để có cơ sở làm cài tóc, kẹp tóc và móc khóa thủ công phát triển như hôm nay. Theo chị, chấp nhận bản thân hòa nhập với xã hội, “tàn mà không phế”, bởi vì bây giờ xã hội rất quan tâm và tạo điều kiện cho người khuyết tật được học nghề, có việc làm và có thu nhập ổn định. “Nhờ số vốn từ lúc có 5 triệu mà mình gây dựng cửa hàng đến bây giờ. Đến nay được vay 10 triệu để phát triển cơ sở. Ngày xưa mình cũng là học viên của Trường 215 Võ Thị Sáu, sau khi ra trường mình lập cơ sở và bây giờ còn nhận thêm các bạn học viên khuyết tật về làm sản phẩm cho mình. Mình rất cảm động khi Hội LHPN Quận 7 luôn quan tâm đến mình”.

Bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, cho biết với chủ đề “hòa nhập và thích ứng, định hình tương lai” sẽ giúp cho chị em phụ nữ khuyết tật nỗ lực vươn lên, thích ứng và hòa nhập trong giai đoạn hiện nay là làm kinh tế gia đình, nuôi dạy con tốt và xây dựng gia đình hạnh phúc : "Ngoài chăm lo kiến thức, kỹ năng để hòa nhập với cuộc sống nhanh nhất năm nay, chúng tôi còn triển lãm ảnh cũng như các hoạt động của chị phụ nữ vượt khó vươn lên cũng như giới thiệu sản phẩm của các chị phụ nữ khuyết tật thực hiện. Có nhiều chị cũng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng đồng vốn của Hội thành công, tạo được việc làm và có nguồn thu nhập chính của mình”.

Bên cạnh hoạt động giao lưu, chương trình còn dành một không gian rộng đặt 17 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm do phụ nữ khuyết tật thực hiện; triển lãm ảnh 24 gương phụ nữ vượt khó; trao vốn hỗ trợ cho 20 phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế gia đình, tổng trị giá 165 triệu đồng; tặng quà cho 54 phụ nữ khuyết tật hưởng ứng Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, tổng trị giá hơn 150 triệu đồng.