Nỗ lực thu gom pin cũ để tái chế, góp phần bảo vệ môi trường

(VOH) - Thống kê cho thấy, chỉ có dưới 5% tỉ lệ pin trên thế giới được tái chế.

Chỉ dưới 5% lượng pin trên thế giới được tái chế

Pin là vật dụng chứa nhiều kim loại độc hại như: thủy ngân, chì, kẽm, cadmium… Nếu thải ra bãi rác và xử lý chúng theo quy trình tương tự như xử lý chất thải gia đình thông thường sẽ gây ô nhiễm đất và ô nhiễm nước. Do đó, các loại pin cần được thu gom và xử lý theo một quy trình riêng.

Tạp chí Hóa chất & Kỹ thuật (C&EN) trích dẫn số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế - Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy, hiện chỉ có dưới 5% tỉ lệ pin được tái chế. Trong khi đó, 100% chì trong các loại ắc quy ô tô chứa axit chì phổ biến có thể được tái chế thành các loại ắc quy mới… Dự đoán từ nay đến năm 2030 sẽ có khoảng 140 triệu xe điện xuất hiện trên toàn thế giới, kéo theo đó, lượng pin được thải ra ngày càng nhiều.

Xem thêm: 'Đổi rác thải tái chế lấy thực phẩm' - chương trình nhiều ý nghĩa

Đổi Pin lấy cây
Một nhân viên làm việc trên băng chuyền tại một nhà máy tái chế pin của Mỹ (Ảnh: Li-Cycle)

Việc tái chế pin có thể làm giảm số lượng vật liệu thải ra các bãi chôn lấp. Theo Zhi Sun - một chuyên gia về kiểm soát ô nhiễm tại Học viện Khoa học Trung Quốc: coban, niken, mangan và các kim loại khác có trong pin có thể dễ dàng rò rỉ từ vỏ của pin, rồi bị chôn vùi và gây ô nhiễm đất và nước ngầm, đe dọa hệ sinh thái và sức khỏe con người. Điều này cũng tương tự với dung dịch muối lithium florua (LiPF6 là phổ biến) trong dung môi hữu cơ được sử dụng trong chất điện phân của pin.

Pin có thể gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường không chỉ khi hết tuổi thọ mà còn rất lâu sau khi chúng được sản xuất. Chẳng hạn như, việc khai thác một số kim loại trong pin đòi hỏi phải xử lý quặng kim loại-sunfua, loại quặng này sử dụng nhiều năng lượng và thải ra nhiều loại khí có thể dẫn đến mưa axit.

Ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường, các chuyên gia về pin còn đưa ra một một lý do quan trọng cần phải tái chế pin – đó là lý do kinh tế.

Tái chế pin có thể thu hồi vật liệu để sản xuất pin mới, giảm chi phí sản xuất. Hiện tại, những vật liệu này chiếm hơn một nửa chi phí của pin. Chẳng hạn, giá của hai loại kim loại coban và niken (những thành phần đắt tiền nhất) đã dao động đáng kể trong những năm gần đây. Giá thị trường năm 2019 đối với coban và niken lần lượt là khoảng 27.500 USD/tấn và 12.600 USD/tấn. Vào năm 2018, giá coban còn vượt quá 90.000 USD/tấn.

Trong nhiều loại pin, nồng độ của các kim loại, cùng lithium và mangan, vượt quá nồng độ trong quặng tự nhiên, làm cho pin đã qua sử dụng giống như quặng được làm giàu cao. Nếu những kim loại đó được thu hồi từ pin đã qua sử dụng ở quy mô lớn và kinh tế hơn từ quặng tự nhiên, thì giá pin và xe điện có thể sẽ giảm xuống.

Ngoài ra, việc ít phụ thuộc hơn vào khai thác để làm nguyên liệu sản xuất pin cũng có thể làm chậm sự cạn kiệt của các nguyên liệu thô này.

Người dân ngày càng nâng cao nhận thức về tái chế pin

“Đổi Pin lấy cây” tại TPHCM là hoạt động thường niên của Nhà nhiều Lá với mong muốn nâng cao nhận thức người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường, thông qua việc làm quen sống xanh, thu gom rác thải và đổi quà.

Hoạt động “Đổi Pin lấy cây” của Nhà nhiều Lá diễn ra từ tháng 4/2021 đến nay - lấy cảm hứng từ việc bảo vệ môi trường và giảm tác hại do việc xử lý pin không đúng cách.

Hiện nay, hoạt động “Đổi Pin lấy cây” thường được tổ chức vào mỗi cuối tuần. Hoạt động “Đổi Pin lấy cây” có khoảng 50 các bạn tình nguyện viên tham gia hỗ trợ và sau mỗi lần tổ chức, hoạt động thu hút khoảng 3.000 – 5.000 người tham gia và lượng pin thu gom được khoảng 50.000 viên.

Đổi Pin lấy cây
Người tham gia sẽ đổi pin và nhận được số sao tương ứng để đổi cây

Hoàng Quý Bình, người sáng lập Nhà nhiều Lá bày tỏ: “Đây là hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực nhất từ việc thu gom pin, đồng thời chúng mình cũng tặng cây để mọi người có thể có thói quen là trồng cây xanh”.

Quý Bình cũng bật mí thêm, số lượng pin thu gom được sẽ gửi đến công ty môi trường Á Châu để có thể xử lý và tái chế theo đúng quy định của luật Bảo vệ Môi trường 2020.

Tại nhà máy tái chế này, pin thải sẽ được nghiền nát bằng máy nghiền nhằm mục đích phá vỡ hình dạng ban đầu của viên pin để thuận lợi cho việc đốt. Sau đó, pin đã nghiền được đưa đi thiêu hủy tại lò đốt 2 cấp.

Lò đốt hiện đại và tiên tiến xử lý triệt để các loại chất thải (có thành phần hữu cơ khó phân hủy, gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường, không có khả năng tái sử dụng,...) ở các thể rắn, khí và lỏng; thời gian lưu cháy từ 0,5 -1,5 giờ, nhiệt độ trong lò có thể lên đến 1.400 độ C.

Bên cạnh đó, hệ thống đốt được kết hợp thêm các màng lọc tách sạch tro bụi khỏi khí thải trước khi phát tán ra môi trường. Kết quả của quá trình thiêu đốt pin cũ sẽ cho ra tro, xỉ. Tro, xỉ này sẽ được các công nhân đưa đi hóa rắn để làm gạch block. Những viên gạch sẽ được sử dụng để xây tường bao, vừa chắc chắn lại rất thân thiện với môi trường. 

Đổi Pin lấy cây
Không gian hoạt động được trang trí với những món hàng thân thiện môi trường

Cô Nguyễn Thị Cẩm Hồng (quận 11) hào hứng nói: “Tôi tham gia hoạt động này chắc cũng 4-5 lần, biết hoạt động này trên facebook rồi rủ rê mọi người gom pin để đổi cây. Tôi thấy hoạt động này quá hay, nó làm cho người ta không vứt pin bừa bãi, bảo vệ môi trường”.

Nói về mong ước đối với hoạt động, cô nhấn mạnh: “Mong rằng mỗi quận đều có một Nhà nhiều Lá để mọi người đều biết đến và đi đổi pin sẽ gần hơn vì tôi từ quận 11 qua nên cũng hơi xa”.

Quý Bình chia sẻ, hoạt động thu gom pin cũ nói riêng và thu gom chất thải độc hại ngày càng được nhiều người biết tới. Trong tương lai ngoài việc thu gom pin, Nhà nhiều Lá có thể tổ chức những hoạt động thu gom các loại rác khác nữa để hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn.