Đây là dấu hiệu của sự rối loạn trong hệ bạch mạch, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy kiệt và tử vong.
Theo ThS.BS Hoàng Văn Lâm, Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, đái dưỡng chấp không phải là bệnh cấp cứu nhưng có nguy cơ đe dọa sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. Bệnh thường xuất hiện khi có sự thông thương bất thường giữa hệ bạch mạch và hệ niệu, dẫn đến việc dưỡng chấp – một chất chứa nhiều lipid – rò rỉ vào nước tiểu.
“Người bệnh thường phát hiện muộn khi thấy nước tiểu có màu trắng sữa, đôi khi như nước vo gạo và đông lại sau một thời gian. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân còn thấy nước tiểu có váng mỡ hoặc lẫn máu,” bác sĩ Lâm chia sẻ.
Bệnh chủ yếu gặp ở người trong độ tuổi lao động từ 20-50 tuổi. Các dấu hiệu thường xuất hiện sau khi ăn các bữa giàu chất béo hoặc sau vận động mạnh, khiến nhiều người nhầm tưởng đây là vấn đề tạm thời, không cần điều trị.
Đái dưỡng chấp nếu để lâu có thể gây ra hàng loạt biến chứng như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận bể thận, rối loạn miễn dịch, suy dinh dưỡng và xơ gan. Những biến chứng này có thể đẩy người bệnh vào tình trạng suy kiệt, đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân phổ biến của đái dưỡng chấp bao gồm giun chỉ hoặc tắc nghẽn hệ bạch mạch do các bệnh lý khác. Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân cần điều trị bằng phương pháp ngoại khoa như bít lỗ rò bằng Nitrat bạc hoặc phẫu thuật để ngăn hiện tượng rò rỉ dưỡng chấp.
Lời khuyên từ chuyên gia
Bác sĩ Lâm nhấn mạnh, khi nhận thấy nước tiểu có dấu hiệu bất thường như màu trắng đục, có váng mỡ hoặc đổi màu sau các bữa ăn giàu mỡ, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra.
“Đừng chủ quan với những thay đổi nhỏ trong cơ thể. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm và cải thiện chất lượng sống,” ông khuyến cáo.
Ngoài việc đến bệnh viện kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường, người dân cần chú ý đến chế độ ăn uống, tránh lạm dụng thực phẩm giàu chất béo. Đồng thời, việc giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ cũng là cách để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến hệ bạch mạch, đặc biệt là giun chỉ.