Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM.
MC Thành Trung: Mất ngủ mức độ nào thì nên đến gặp bác sĩ? Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống? (Mong bác sĩ chia sẻ cụ thể về tác hại của bệnh)
TS.BS Nguyễn Thị Sơn: Mất ngủ có hai loại, bao gồm:
- Rối loạn giấc ngủ cấp tính: là tình trạng mất ngủ kéo dài từ một đêm đến vài tuần khi gặp những căng thẳng hoặc bất ổn trong cuộc sống và sức khỏe có thể tự phục hồi.
- Rối loạn giấc ngủ mãn tính: là tình trạng mất ngủ xảy ra trong thời gian dài, từ vài tháng hoặc vài năm, đồng nghĩa với việc người bệnh khó đi vào giấc ngủ.
Khi bệnh mất ngủ trở nên nghiêm trọng, người bệnh thường không tập trung vào công việc và các hoạt động hàng ngày. Từ đó, dẫn đến rối loạn tâm thần kinh như buồn bã, lo âu, trầm cảm.
Ngoài ra, việc thiếu ngủ kéo dài có thể gây ra chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi. Thậm chí, làm tăng nguy cơ tai nạn, suy giảm hệ thần kinh, tim mạch. Đặc biệt, những đối tượng có bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường) dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Ở trẻ em, rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung, khiến trẻ học tập sa sút. Đối với người lớn, mất ngủ lâu ngày làm giảm hiệu suất công việc vì cơ thể không thể tái tạo đủ năng lượng cho ngày hôm sau.
Vì vậy, khi tình trạng mất ngủ kéo dài, chúng ta cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
TS.BS Nguyễn Thị Sơn
Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.