Ở nhà thuê, nhà trọ, cửa hàng kinh doanh có cần cúng ông Táo không?

(VOH) – Ngày mai (14/1) nhằm 23 tháng Chạp là ngày đưa ông Táo về trời theo quan niệm dân gian. Một câu hỏi cũ được đặt ra là nhà đi thuê, nhà trọ, cửa hàng kinh doanh có cần làm lễ cúng hay không?

Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ làm lễ tiễn ông Táo về chầu Ngọc Hoàng để báo cáo những việc trong năm vừa qua, trong đó có chuyện của gia đình gia chủ.

Dù lễ cúng ông Công, ông Táo có sự khác biệt giữa 3 miền nhưng tựu chung, mọi người thường chuẩn bị một mâm lễ vật đủ đầy, trang trọng và chu đáo để cầu mong một năm mới sung túc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tổ chức tại gia đình, bởi thực tế hiện nay có rất nhiều người rời quê hương đến những thành phố lớn làm việc nên phải sống trong những căn nhà thuê, hoặc phòng trọ. Do đó, rất nhiều người thắc mắc rằng “Ở trọ thì có cần cúng đưa ông Công, ông Táo hay không?”.

Ở nhà thuê, nhà trọ, cửa hàng kinh doanh có cần cúng ông Táo không? 1
Người ở nhà thuê, nhà trọ nếu không có điều kiện thì không nhất thiết phải làm lễ cúng ông Công ông Táo - Nguồn ảnh: Internet

Có quan niệm cho rằng, người thuê trọ không cần phải cúng ông Táo bởi việc này đã có chủ nhà thực hiện. Nếu người thuê trọ cũng cúng thì chỉ tốt cho gia chủ, còn người đi thuê thì không được lợi.

Các chuyên gia phong thủy khuyên rằng, việc thờ cúng là tùy tâm, nếu hoàn cảnh cũng như điều kiện không cho phép thì người thuê nhà không nhất thiết phải cúng ông Táo, nhất là khi chủ nhà đã làm lễ. Nếu gia đình nào thuê nhà nguyên căn, không ở chung với chủ nhà và điều kiện cho phép thì nên làm lễ cúng ông Táo. Song không cần cầu kỳ, bởi quan trọng vẫn là sự thành tâm và tấm lòng.

Riêng với những cửa hàng kinh doanh, không tổ chức bếp thì cũng không cần làm lễ cúng ông Công, ông Táo.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, tục cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp không cần thiết phải bày biện mâm cao cỗ đầy và không bắt buộc phải khấn theo một khuôn mẫu có sẵn. Bởi đây là dịp gia đình nhìn lại một năm đã qua, kiểm điểm những việc đã làm, cũng như bày tỏ tâm sự, ước nguyện những tốt đẹp cho năm mới.

Với người đang sống nhà thuê, nhà trọ chật hẹp, khi cúng Táo quân cũng không cần phải đốt giấy tiền vàng mã vì dễ gây cháy nổ. Chủ yếu là sự thành tâm của gia chủ. Trước đây nhiều gia đình khi cúng Táo quân đều sẽ gọi hết con cháu đến để cùng kiểm điểm với cha mẹ, cùng sám hối và biết phấn đấu, tu dưỡng trong năm mới.

Ngoài ra, có quan niệm cho rằng đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa) ngày 23 tháng Chạp chính là thời điểm tốt nhất để cúng ông Công, ông Táo. Vì vậy, nên tổ chức lễ cúng từ sáng sớm đến 12 giờ trưa để kịp đưa ông Táo “lên đường”.

Tổng hợp

Bình luận