Chờ...

Ông Ngộ - Người cuối cùng giữ hồn cho những lá thư tay

(VOH) - Dưới mái đầu bạc trắng là đôi mắt hiền từ, một tay cầm kính lúp soi kỹ từng câu chữ, tay kia hí hoáy viết, ông Ngộ như lọt thỏm ở một góc trong tòa nhà rộng lớn của Bưu điện trung tâm Sài Gòn.

Ông là người lớn tuổi nhất còn làm việc ở đây, năm 2009 ông nhận kỷ lục “Người viết thư thuê lâu nhất Việt Nam” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp, đồng thời ông còn xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài như: Toronto Star (Canada), Der Spiegel (Đức)… Ở tuổi 89, ông Ngộ vẫn còn nhanh nhẹn và rất minh mẫn. Người ta gọi ông là “người nối thế giới bằng những cánh thư”- những cánh thư của ông đi khắp thế giới và gắn kết con người với nhau.

Ông Dương Văn Ngộ

Ông Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê cuối cùng ở Bưu điện Sài Gòn hay chính là người giữ hồn cho những lá thư tay. Ảnh: infonet

Ông Nghiêm Tám sống ở Quận 1, từng công tác ở quân đội nay đã về hưu, quen biết ông Ngộ hơn 20 năm và là khách hàng thường xuyên nhờ ông viết thư tâm sự. “Phải nói là một trong những người rất chân thật. Người ta sống bằng một cái tâm, chỉ muốn giúp đỡ tất cả mọi người thôi, người ta không đặt nặng về vấn đề tài chính, tiền bạc. Một cụ già như thế, tuổi cao như thế thay vì người ta nghỉ nhưng người ta vẫn ra, vẫn muốn giúp đỡ cho tất cả mọi người trong cộng đồng thì là điều rất tốt. Mình muốn đến nhờ ông ghi địa chỉ để gửi sang bên kia cho cô con gái ở Canada. Thực chất mà nói, có những người làm những công việc như thế này thì rất tốt, giúp được cho rất nhiều người bởi vì không phải ai cũng giỏi về ngoại ngữ. Đây là một trong những công việc được xã hội rất coi trọng”, ông Tám chia sẻ.

Một ngày đầu tuần, chúng tôi đến gặp ông Ngộ, vừa viết thư, dịch thư cho khách hàng nhưng ông vẫn dành thời gian trò chuyện, ông kể: Năm 16 tuổi, ông làm ở Bưu điện Thị Nghè. Năm 18 tuổi ông thi đậu vào Bưu điện Sài Gòn (nay là Bưu điện trung tâm Sài Gòn). Ông thông thạo và nói chuyện như người bản xứ bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, ông kể lúc đầu nhờ được học tiếng Pháp ở Trường Tiểu học Phú Lâm, chương trình dạy của trường rất hay nên ông đã giỏi và nhờ về nhà học thêm nữa. Còn thông thạo tiếng Anh là nhờ ông được Ban giám đốc cho đi học ở Hội Việt Mỹ năm 36 tuổi, lúc ông đang làm ở Bưu điện Sài Gòn. Đặc biệt là nhờ sự hướng dẫn và dạy ông học tiếng Anh của một phi công người Mỹ. Sau khi về hưu, với sức khỏe và niềm mong muốn được cống hiến sức lực của mình cho cộng đồng, ông được Ban giám đốc quý mến nên đồng ý cho ông được ngồi ngay trong bưu điện để viết thư thuê - một dịch vụ mà đến nay chẳng còn người nào làm ở thành phố này. “Hồi trước ở đây có 3, 4 người làm, cũng ngồi ở đây thay phiên nhau làm nhưng giờ mất hết rồi, chỉ còn mình tôi… người Pháp gọi tôi là người cuối cùng của bộ lạc Mohican. Cái nghề này chỉ ở đây mới có chứ không còn chỗ nào có hết, ở đây tôi làm liền còn qua dịch vụ họ cứ để đó. Mình làm trực tiếp, ráng làm tới ngày nào thì cứ làm thôi, đi làm vui hơn ở nhà”, ông Ngộ cho biết.

Cuộc đời ông gắn chặt với Bưu điện Sài Gòn, ông rành rọt từng góc nhỏ và nhớ kỹ từng chi tiết kiến trúc có ý nghĩa mà bưu điện vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Với ông, kiến trúc của Bưu điện bây giờ không có thay đổi gì nhiều so với những năm trước, vẫn là những cây cột bằng thép được xây theo kiểu tháp Eiffel vững chắc. Ở phía ngoài bưu điện, những cây cột được khắc tên của những danh nhân thế giới. Phía bên trong, bưu điện vẫn còn giữ lại hai kỷ vật là: bản đồ Nam phần Việt Nam (ngày xưa gọi là bản đồ Nam kỳ) và bản đồ thành phố với những địa danh xưa... Do nắm rõ về nơi này nên ngoài việc viết thư thuê, ông Ngộ còn kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài mỗi khi có ai muốn tìm hiểu về Bưu điện trung tâm thành phố.

Gần 30 năm viết thư thuê nhưng không vì thế mà ông Ngộ chủ quan trong công việc. Trên bàn làm việc của ông luôn có những cuốn từ điển dày đã nhuốm màu thời gian, nếu có thắc mắc một chữ nào đó ông liền mở từ điển, rồi dùng kính lúp tra lại một cách kỹ càng. Trên bàn làm việc, ông để từ điển Anh - Việt và Việt - Anh, còn từ điển tiếng Pháp ông cũng luôn mang theo nhưng vẫn còn để lại trong túi vì ít khi ông phải dùng đến. Những cuốn từ điển này hầu như trang nào cũng có những dòng chữ nho nhỏ do ông thêm vào, chúng chủ yếu đều là từ mới mà từ điển còn thiếu. Với chừng ấy năm viết thư thuê, ông luôn giữ cho mình nguyên tắc: chính xác, chuẩn mực, không thêm bớt, viết đúng những gì khách yêu cầu và tuyệt đối giữ bí mật.

Cho đến nay, ông đã viết hàng vạn lá thư, mỗi bức thư là một hoàn cảnh, một tâm trạng. Trong đó có những lá thư đã trở thành nhịp cầu kết nối tình yêu, đã mang đôi trai gái đến với nhau thành một gia đình. Có những bức thư đã giúp người thân tìm được nhau trong tình mẫu tử thiêng liêng và đầy xúc động. Ông kể: “Họ cứ viết tôi dịch thôi chứ tôi không thêm thắt gì hết, thường tôi viết thơ cho họ là tôi quên hết. Bởi vì mình có bổn phận là không kể lại cho ai nghe hết. Nhưng có chuyện tôi cũng nhớ nhớ là tình mẹ con đậm đà lắm. Một bà ở miệt Bình Phước, lâu lâu đến đây nhờ tôi viết thư thăm con, thăm cháu ở bên Pháp”.

Tuy tuổi đã cao nhưng ông Ngộ vẫn làm việc 5 ngày trong tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày ông bắt đầu làm việc lúc 8 giờ sáng và kết thúc lúc 16 giờ chiều. Ông nói rất hiếm khi ông nghỉ làm vì ông thấy mình còn sức khỏe nên cứ đi để giúp ích cho xã hội. Nhờ thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, ông Ngộ thường xuyên tiếp xúc và nói chuyện với du khách quốc tế. Không chỉ dịch thư cho người Việt mà những người nước ngoài đôi khi cũng nhờ ông dịch thư ra tiếng Việt cho họ. Nhiều hướng dẫn viên du lịch hay đưa khách tới và giới thiệu về ông Ngộ, họ tỏ ra rất thích thú. Hầu như ngày nào cũng có người đến xin chụp hình chung với ông.

Ông Nguyễn Mạnh Vũ ở Quận Tân Bình, làm nghề hướng dẫn viên du lịch đã 25 năm, ngày đầu tiên bước chân vào nghề khi dẫn khách vào bưu điện tham quan thì quen biết với ông Ngộ, bày tỏ: "Chú Ngộ là người rất chăm chỉ, một người gương mẫu, kể cả về công việc và về gia đình. Vợ chú đang bệnh nên chú phải đi làm kiếm tiền nuôi cô. Chuyện đi làm thì sẽ mang lại niềm vui và sức khỏe. Chú Ngộ năm nay 89 tuổi, mà hàng ngày phải đạp xe 2 km đi làm. Đó là tấm gương cho lớp trẻ ngày nay".

Giữa trung tâm Thành phố với bộn bề những lo toan và bận rộn nhưng vẫn có một cụ ông hằng ngày đạp xe đi làm mà không cần quan tâm đến nhịp sống ồn ào, nhộn nhịp ấy. Có lẽ đối với ông Ngộ, mọi danh hiệu đều trở nên vô nghĩa, ông chỉ mong sao mình có thể là người giữ hồn cho những lá thư tay.