Phát hiện này có thể thay đổi cách chúng ta hiểu về quá trình tiến hóa của sự sống trên Trái Đất.
Tảng đá cổ đại này được phát hiện tại Khu phức hợp Bushvelt Igneous Complex, Nam Phi, thông qua kỹ thuật khoan siêu sâu. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Microbial Ecology, đây là lần đầu tiên vi khuẩn sống được phát hiện bên trong lớp địa chất có tuổi đời lâu đến như vậy.
Phó Giáo sư Yohey Suzuki, Đại học Tokyo, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi không chắc liệu tảng đá 2 tỷ năm tuổi có phải là môi trường sống được hay không. Trước đây, lớp địa chất lâu đời nhất mà chúng tôi tìm thấy vi sinh vật sống là lớp trầm tích 100 triệu năm tuổi dưới đáy đại dương."
Tảng đá này không chỉ đơn thuần là một khối cổ xưa, mà nó hoạt động như một "cỗ máy thời gian" cung cấp thông tin về quá trình tiến hóa chậm chạp của vi khuẩn. Điều này mở ra cơ hội nghiên cứu về sự sống thời kỳ đầu trên Trái Đất, và thậm chí có thể giúp chúng ta hiểu về sự sống trên các hành tinh khác.
"Việc nghiên cứu DNA và bộ gen của các vi khuẩn trong tảng đá này có thể cung cấp những hiểu biết mới mẻ về cách mà sự sống đã tiến hóa hàng tỷ năm trước", Suzuki nói. Điều đáng kinh ngạc là những vi khuẩn này đã tiến hóa rất chậm theo thời gian, cho thấy khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường khắc nghiệt.
Phát hiện này không chỉ có ý nghĩa đối với nghiên cứu về Trái Đất, mà còn ảnh hưởng đến các sứ mệnh khám phá vũ trụ, đặc biệt là sứ mệnh Perseverance của NASA trên sao Hỏa. Các nhà khoa học tin rằng, việc phát hiện vi khuẩn sống trong các mẫu vật trên Trái Đất có thể giúp xác định tính khả thi của việc tìm thấy sự sống trên hành tinh khác.
Suzuki bày tỏ sự phấn khích: "Việc tìm thấy sự sống vi khuẩn trong tảng đá 2 tỷ năm tuổi khiến tôi đầy kỳ vọng về những khám phá tiềm năng từ sao Hỏa."