Tết Nguyên đán là lúc mà mọi người, mọi gia đình, cùng quây quần về dưới mái ấm của mình không chỉ để sum họp gia đình mà còn nhớ đến nguồn gốc tổ tiên, nhớ đến những phong tục truyền thống ăn sâu vào trong ký ức mỗi người. Những phong tục đó đã đi vào tâm hồn người Việt từ thuở ấu thơ và có những biến tấu theo thời gian.
Cá chép cúng ông Táo 23 tháng Chạp
Con cá Chép 23 tháng Chạp
Cứ mỗi dịp xuân về khi rảnh rỗi, chắc hẳn mọi người đều có khoảng thời gian nhớ lại những cái tết đã qua trong cuộc đời mình, nhất là những người đã bắt đầu có tuổi. Trong ký ức mỗi người, Tết vẫn là những phong tục, tập quán, truyền thống của mỗi gia đình Việt mà mỗi người giữ riêng trong ký ức của mình.
Vào những năm đầu thập niên 70, điều đọng lại trong tôi khi Tết sắp đến đó chính là ngày cúng ông Công, ông Táo. Khi còn nhỏ, mấy ai đã biết chuyện một bà, hai ông mà chỉ thấy đến ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo là biết Tết lại… sắp đến với bao hân hoan trong đầu óc của một đứa trẻ là sẽ có bánh kẹo, có áo mới, có các loại mứt ngọt lịm, có tiền lì xì…Ngày 23 tháng Chạp, tôi vẫn nhớ, ấn tượng nhất trong mâm cúng ông táo là con cá chép “đen xì” (hình như lúc xưa ít có cá chép đỏ) to bằng cổ tay bơi qua bơi lại trong cái chậu nhỏ thường để rửa chén mà má tôi mua để cúng cuối năm. Rồi bánh mứt cũng hiện diện trong mâm cúng, nhưng món mứt mà in sâu vào tôi, phải có vào ngày này, đó chính là món mà gọi theo dân gian là “Thèo lèo cứt chuột”. Thực ra, là kẹo đậu phộng, kẹo mè đen là tên gọi đúng nhất của món này, nhưng không biết từ khi nào người ta gọi bằng các tên rất hình tượng bởi đó là món nhất thiết phải có để cúng ông Táo khi năm hết, tết đến.
Đã gọi là tục lệ thì phải thành thói quen, nhà nào cúng ông Táo cũng có hai món “đặc sản” đó. Cá chép thì để cho ông Táo, bà Táo cỡi bay về trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế những thành quả năm qua dưới trần thế của mỗi gia đình. Còn Thèo lèo hiểu đơn giản theo âm đọc của tiếng nước ngoài là món để ăn kèm khi uống trà. Ông Táo chắc hay uống trà nên phải có món này để cúng chăng? Cách đây vài năm, sáng 23 Tết tôi phải đi lùng mấy cái siêu thị để kiếm món này vì “cháy hàng” nhưng vài năm lại đây các cơ sở bánh kẹo chuẩn bị sẵn, tràn đầy thị trường trước ngày 23 Tết.
“Cá chép này chị bán bao nhiêu một con” - Tôi chỉ vào chậu, cá chép đang bơi đen - đỏ đầy chậu của chị bán cá ngoài chợ hỏi.
“Hai lăm ngàn 3 con, anh! ”, Chị bán cá trả lời.
“Một con thì bao nhiêu?” Tôi hơi ái ngại hỏi khi chỉ mua có một con mà chỉ bằng cỡ 2 ngón tay trong đám cá bơi dày đặt trong cái chậu của chị.
“Một con 10.000, anh lấy ba con thì hai lăm ngàn”, Chị bán trả lời.
Ký ức của tôi lại có dịp gợi lại khi con cá chép mà má tôi mua cúng cách đây gần 50 năm trước, nó to bằng cỡ cổ tay người lớn, nay thì kiếm khắp chợ chỉ có loại bé xíu như 2 ngón tay.
“Liệu ông Táo có cỡi được không chị, nó nhỏ quá !”, tôi hỏi.
“Vậy anh mua ba con đi, mỗi người cỡi một con”, chị bán lý sự.
Thì ra là vậy, có lẽ cá chép thời nay không kịp lớn vì vào ngày này “nhu cầu” tăng cao đột biến, chỉ còn cá nhỏ nên phải mua 3 con để 3 người cưỡi mới được?!. Tôi bật cười trong lòng vì cái lý lẽ chị bán đưa ra cốt để bán cho hết lẹ chậu cá. Đã là thần tiên thì ba người cỡi một con là đủ cần gì phải mỗi người một con! Không lẽ bao năm nay nhiều gia đình cúng thiếu hai con hay sao?
Đúng là mỗi thời mỗi khác, cá nhỏ chưa kịp lớn thì cúng nhiều con, cúng xong rồi sẵn thả kênh làm phước! Ngày xưa cúng xong cá lớn người ta hóa kiếp cho cá thì khi đó cá mới làm tròn phận sự là “phương tiện giao thông” cho ông Táo, còn nay cá nhỏ xíu cúng xong thả kênh không biết có đưa được ông Táo lên trời không? Riêng nhà tôi khi xưa cúng xong thì cá đem cho bà ở cuối xóm, nhà bà cũng sát con rạch Trương Minh Giảng (nay là kênh Nhiêu Lộc) không biết bà có thả nó xuống rạch không nữa?
Cây nêu trước nhà. Hình minh họa
Cây Nêu trừ Tà
Từ xa xưa, các làng xã Việt Nam đón Tết đều có cái tục trồng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp kéo dài cho đến mùng 7 Tết thì làm lễ cúng hạ nêu, báo hiệu đó là ngày Tết đến và ngày hết Tết. Cây nêu thường là cây tre có ngọn được dựng lên trong sân nhà nhằm ý muốn trừ tà ma, tránh quỷ dữ, các điều xấu, ác không thể vào nhà mà hại gia chủ. Trên cây nêu còn treo cờ, phướn, đèn lồng, câu đối hay khánh nhạc, chuông gió… tạo âm thanh réo rắt để xua ma đuổi quỷ. Ý nghĩa của việc trồng cây nêu là ở đó.
Vài chục năm trước ở thành thị, kiếm được cây tre để trồng nêu cũng khó mà nhà lại thấp bé, tre có ngọn thì cao, phải biến tấu cho phù hợp. Thời điểm đó vài nhà trong xóm, trong đó có cả nhà tôi trồng cây nêu với ý nghĩa tượng trưng bằng cách dùng 2 cây mía còn cả ngọn và lá dựng hai bên cửa chính, các đốt mía cũng tương tự như đốt tre (trong cái thang tre) với ý nghĩa để thần linh mang sinh khí từ trời chuyển xuống mặt đất cho mùa màng, cây cối phì nhiêu, tươi tốt. Trí óc thơ ngây của tôi thắc mắc khi hỏi má tôi: để hai cây mía để làm gì vậy má? Thì đơn giản câu trả lời cho gọn đó là: là cái thang để ông Táo leo lên trời đó con!
Tôi là đứa hay hỏi nhất nhà lại toàn câu lắt léo thì lời giải thích “cây nêu để trừ tà…” thì càng kích thích tôi hỏi thêm và lại phải giải thích dông dài… “tà là gì?”. Thì lời giải thích cái thang cho ông Táo lên trời là ổn nhất.
Đến nay, năm nào đi đường vào dịp Tết tôi cố tìm xem còn nhà nào còn giữ cái tục trồng nêu như vài chục năm trước hay không (dù chỉ là trồng tượng trưng bằng cây mía) thì không còn thấy cái tục này ở thành phố nữa. Có chăng là phải về miền thật là…“quê” thì họa may mới còn tục này. Nhưng Tết thì tôi lại ít khi đi về miền quê nên cây nêu giờ chỉ còn trong ký ức hay chỉ còn trong các hội hoa xuân mà thôi.
Mâm Ngũ quả. Hình minh họa
Cầu, Dừa, Đủ, Xoài, Thơm
Trước Tết, gia đình nào cũng bắt đầu bằng việc dọn dẹp bàn thờ gia tiên từ khoảng rằm tháng Chạp, việc của tôi là tháo hai chân đèn cầy và cái lư hương bằng đồng ra lau chùi và đem đi cho thợ đánh bóng sáng loáng rồi đem về bày biện lên bàn thờ. Có năm tiết kiệm đi mua thuốc rồi dùng vải tự đánh bóng, tuy không sáng bằng thợ nhưng cái vui của ngày Tết chính là trong việc tự tay chuẩn bị đón tết bằng những việc làm nho nhỏ đó.
Đón Tết từ xưa cho đến nay thì hầu như nhà nào cũng phải có bàn thờ gia tiên, mà đã có bàn thờ thì phải có đồ cúng mà đồ cúng thì trang trọng nhất đó chính là đĩa trái cây trịnh trọng giữa án thờ. Tùy theo từng địa phương, từng gia đình, ý thích của gia chủ sẽ cúng loại trái cây nào. Thông thường thì phải có những loại trái cây như mãng cầu, xoài, dưa hấu, bưởi, thơm, quít, hồng, đào… Có năm tôi nhớ qua mấy ngày tết, hạ lễ xong, do trời nắng nóng, dĩa trái cây của nhà hư gần hết. Sau này rút kinh nghiệm, trái cây mua cúng dịp Tết cần lựa loại chưa chín hẳn để sau mấy ngày tết hạ lễ thì vừa chín, còn dùng được.
Ngày nay, thì dĩa trái cây cúng có khi chỉ mang tính ước lệ. mãng cầu thì trái nhỏ xíu “xanh lè” cứng ngắt chỉ dùng để cúng có để đến hết tháng Giêng cũng không chín được, hay trái thơm cũng thế…Việc cúng ước lệ cũng gắn với tên gọi của các loại trái cây. Nhà nào cúng cũng thích cũng những loại có màu đỏ đẹp như thanh long, dưa hấu, quít tiều… hay có cái tên tốt như trái dứa còn gọi là thơm (cho thơm nhà thơm cửa), hồng, đào, sung…. Nhưng càng về sau này thì nhà nào hầu như cũng muốn cúng bằng 5 loại trái cây (ngũ quả): mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và thơm vì các loại trái cây này trùng âm với câu: "cầu vừa đủ xài thơm"… Cúng như thế, nhiều nhà tin tưởng sang năm mới gia đình mình sẽ được tài lộc vào nhà… đủ xài quanh năm. Câu chuyện vui về từ đồng âm được nhân lên thành nhiều chuyện hài nếu như bạn cúng mãng cầu, xoài, và cái líp và baga (cái giá để chở hàng, người của xe đạp hay xe máy) thì sẽ sang năm mới tài lộc sẽ vào thoải mái đến độ “xài líp baga”.
Còn nhiều giai thoại về việc cúng ngày tết qua các loại trái cây, nhưng dù muốn, dù không đĩa trái cây ngày Tết trên bàn thờ gia tiên là một tập tục rất đáng trân trọng vì để tưởng nhớ tiền nhân bằng việc thờ cúng trái cây mang ý nghĩa được hưởng nhiều may mắn, sung túc, phát đạt trong năm mới, nhà nào cũng ước chứ không chỉ mấy người bán trái cây mùa Tết.
(còn tiếp)
Thương lắm ngày 30 Tết - (VOH) - Với nhiều người Việt, ngày 30 Tết vẫn là ngày nôn nao nhất, ngày của sum họp, đoàn viên. Ở bất kỳ nơi đâu, ai cũng mong về nhà, trước thời khắc giao thừa.