Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thương lắm ngày 30 Tết

(VOH) - Với nhiều người Việt, ngày 30 Tết vẫn là ngày nôn nao nhất, ngày của sum họp, đoàn viên. Ở bất kỳ nơi đâu, ai cũng mong về nhà, trước thời khắc giao thừa.

Cái Tết theo thời gian tuy có khác đi đôi chút, có thể có nhiều quà bánh hơn, nhiều lễ hội hơn, hay nhu cầu mua sắm cũng khác hơn. Nhưng những phong tục, lễ nghi tốt đẹp của ngày 30 Tết thì vẫn vẹn nguyên và luôn làm người ta háo hức.

Bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Ảnh minh họa

Bàn thờ tổ tiên là nơi được chuẩn bị rất kỹ, quét dọn, lau chùi, đánh bóng lư đồng từ ngày đưa ông táo, nhưng gần đến Tết thì lại vun vén trang hoàng hơn. Mỗi gia đình sẽ có một cách bày trí bàn thờ khác nhau nhưng mâm ngũ quả nhất định phải có. Tùy theo sở thích của mỗi người, mỗi gia đình, có thể chọn bất kỳ trái cây nào mà họ cảm thấy may mắn cho ngày Tết để bày trí. Nhưng không thể thiếu Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, nói theo kiểu vần một chút là “Cầu, dừa, đủ, xoài” với ý mong muốn một năm đầy đủ, sung túc. Bông để chưng thì có nhiều loại nhưng bông vạn thọ vẫn được nhiều gia đình lựa chọn, bởi màu vàng của nó làm người ta tin tưởng vào một năm tươi sáng, may mắn.

Giảng viên Hòa Bình, trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: 30 Tết là một ngày rất quan trọng đối với bản thân tôi. Vì tôi là người sống xa gia đình cả năm trời nên là dù bận rộn thế nào tôi cũng sẽ quay về với cha mẹ trong ngày Tết. Gia đình vẫn là quây quần bên măm cơm đoàn tụ cuối năm. Còn  giảng viên Bích Huyền, đồng nghiệp với anh Hòa Bình cho biết: Việc nhà thì chúng ta dọn dẹp mỗi ngày nhưng ngày Tết vẫn thấy háo hức khi được dọn dẹp, phấn khởi chứ không thấy mệt. Những ngày chúng ta chộn rộn chuẩn bị mọi điều cho Tết sẽ thú vị hơn rất nhiều khi đã sang năm mới.

Tất nhiên sẽ không thể thiếu hoa mai hoặc hoa đào, vì đó là những loài hoa chỉ khoe sắc vào đúng dịp xuân. Không bắt buộc nhưng mỗi gia đình đều cố gắng để ít thì cành mai, nhiều hơn thì có thể là một cây mai vừa hoặc lớn để không khí của những xuân thêm trọn vẹn.

Thương lắm ngày 30 Tết, thương cái sự vội vàng, tươm tất trong ngoài, thương cái cách tỉ mẩn ngồi sên từng mẻ mứt dừa, gói từng đòn bánh tét. Rồi mùi của cây, của nắng, mùi dưa hành, củ kiệu, thịt kho cứ làm lòng nao nao bao cảm xúc. Và thương nhất chính là mâm cơm của ngày cuối năm để dâng lên cúng ông bà, đầy đủ những món truyền thống của ngày Tết, con cháu quây quần đông đủ, thành kính dâng hương để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà. Cùng cầu cho một năm an yên, may mắn. Diễn viên, ca sĩ Trương Thế Vinh, cho biết: “Điều Vinh muốn làm nhất là dành thời gian cho gia đình, những khoảng thời gian ai cũng rảnh và xích lại gần nhau. Sau đó là gặp những người bạn, những người có cùng hoài bảo với nhau để chia sẻ với nhau những định hướng, gặp những người mình muốn gặp để gửi những lời chúc tốt đẹp đến họ”.

Và dù không ai nói ra, nhưng thông qua ánh mắt, ai cũng cảm nhận rõ sự ấm cúng, hạnh phúc của ngày 30 Tết. Thế đó, dù Tết có bao nhiêu tuổi chăng nữa thì những nghi thức truyền thống này vẫn là những nét văn hóa riêng, độc đáo, không thể thiếu mỗi khi xuân về Tết đến. Và dù người lớn, hay trẻ nhỏ thì cũng chộn rộn mong chờ, phấn khởi trong ngày 30 Tết vì biết rằng sẽ được sum họp, vui chơi và tham gia nhiều lễ hội của ngày xuân. “Tôi khá may mắn khi được sinh ra  trong một gia đình nhiều thế hệ, ngày 30 Tết, cả nhà sum họp bên nhau, cùng xem pháo bông, nhưng là ở nhà, thay vì đi ra đường. Vì nhà có ngoại là người lớn tuổi nhất nên chúng tôi ở nhà để quây quần bên bà”, Lan Anh cho biết.

sum họp gia đinh

Sum họp gia đình. Ảnh minh họa

Ngày 30 Tết là ngày để trở về, và chắc cũng chỉ có ngày này thì người ta mới có nhiều thời gian để ở gần nhau nhiều hơn. Ngồi cạnh người thân trong không gian của ngày cuối năm, sau khi tất cả mọi việc trong nhà đều đã đâu vào đó, uống trà, nói chuyện và kể nhau nghe những chuỗi vui buồn của cả một năm qua. Ngồi để lắng nghe những âm thanh vội vàng của ngày cuối năm, để xem một chương trình giải trí nào đó trên ti vi, hay cùng lắng lòng bên chiếc Radio với những câu chuyện ý nghĩa của ngày 30 Tết, cùng chờ đón giây phút giao thừa. Diễn viên, Đạo diễn Tuyết Mai xúc động cho biết: “Nhiều người vẫn nói Mùng 1 Tết mới bắt đầu một năm mới, mới bắt đầu mùa Tết. Nhưng đối với riêng gia đình mình thì 30 đã là Tết, nhưng trước đó ngày 28, 29 nhà mình đã là Tết rồi. Đó là ngày đoàn tụ với nhau, cùng nhau vun vén, chuẩn bị để đón một năm mới. Đó là một ngày đầy ý nghĩa, cùng nhau ăn 1 bữa tiệc. Ngay cả những đứa nhỏ cũng thức tới 12 giờ khuya luôn để đón năm mới, xem pháo bông”.

Khi mình còn được ngồi nhìn ba mẹ khỏe mạnh, còn được thấy cô chú, anh em, con cháu mình vui cười tâm sự với nhau. Đó có lẽ là hương vị đậm đà, tuyệt vời nhất của ngày 30 Tết. Ca sĩ, Diễn viên Hoàng Ngọc Sơn cho biết, từ những ngày còn sống với gia đình anh luôn nôn nao mỗi khi đến ngày 30 Tết, giờ sống xa gia đình để theo đuổi nghệ thuật thì lại càng nhớ hơn cái cảm giác khó tả này. “Sơn cũng không ngoại lê, cũng muốn về. Hấp dẫn nhất là ngày 30 Tết, vì quê Sơn ở mền Tây nên cứ 30 là nấu bánh, ngồi chụm củi, canh nồi bánh cho mẹ cho tới sáng mùng 1. Cảm giác rất lạ, rất thích”, Hoàng Ngọc Sơn chia sẻ.

Dù có ai đó chưa kịp về nhà trong ngày hôm nay, ngày cuối năm để sum họp bên gia đình vì nhiều lý do khác nhau nhưng tin chắc họ vẫn đang hướng về quê hương, về nơi có gia đình đang đợi. Với Diễn viên Thanh Thức, ngày 30 Tết đặc biệt quan trọng: “Như hồi trước, Tết ở dưới quê Thức được nấu bánh, rồi đón giao thừa rất ấm cúng. Sau này khi lên Sài Gòn lập nghiệp, thì mình lại rất thèm cái cảm giác đó, vì giờ bận rộn, ít có thời gian thực hiện các nghi lễ của ngày 30. Mình cũng mong muốn có nhiều thời gian hơn để được có được những cái Tết như ngày xưa đó.”

Tết là giây phút để sum họp, để trở về cùng gia đình, người thân. Và dù ai, hoàn cảnh như thế nào thì cũng mong mọi người sẽ có một cái Tết an nhiên, đầm ấm, cùng tiễn năm cũ và bước sang năm mới, năm Canh Tý 2020 trong niềm vui và hy vọng mới.

Cây mai 55 năm tuổi, tán rộng 10 mét phủ màu vàng rực - (VOH) - Theo nhiều người nhận xét, khó kiếm được cây mai nào to và đẹp bằng cây mai này ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Bình luận