Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Phụ nữ mang thai tiếp xúc với ô nhiễm không khí sẽ sinh con nhẹ cân hơn

VOH - Nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai tiếp xúc với ô nhiễm không khí sẽ sinh ra những đứa trẻ nhẹ cân hơn – theo NYPost.

Ngược lại, phụ nữ sống ở những khu vực trong lành hơn sẽ sinh con với cân nặng lớn hơn. Môi trường lành mạnh cũng giúp chống lại những tác động tiêu cực tổng thể của ô nhiễm đối với thai kỳ - một nghiên cứu được thực hiện ở Bắc Âu cho thấy.

Robin Sinsamala, nhà nghiên cứu tại Đại học Bergen ở Na Uy cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, phụ nữ mang thai tiếp xúc với ô nhiễm không khí, thậm chí ở mức độ tương đối thấp, sẽ sinh ra những đứa trẻ nhỏ hơn”.

mang thai
Nhà nghiên cứu Robin Sinsamala lưu ý, những đứa trẻ có cân nặng khi sinh thấp hơn dễ bị nhiễm trùng ngực và điều này có thể dẫn đến các vấn đề như hen suyễn và COPD sau này.

Những phát hiện này dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu Sức khỏe hô hấp ở Bắc Âu, được thu thập từ hơn 4.000 trẻ em và mẹ của chúng sống ở Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Iceland và Estonia.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán “độ xanh” của những nơi người phụ nữ sống trong thời kỳ mang thai bằng cách đo mật độ thực vật trên ảnh vệ tinh, bao gồm rừng, đất nông nghiệp và công viên.

Các nhà nghiên cứu cũng lấy dữ liệu về năm chất gây ô nhiễm – nitơ dioxide (NO2), ozone, carbon đen và hai loại bụi mịn (PM2,5 và PM10) – và so sánh thông tin đó với cân nặng khi sinh của trẻ.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét các yếu tố thông thường - bao gồm độ tuổi của người phụ nữ - và liệu người mẹ có hút thuốc hay có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào hay không.

Kết quả cho thấy, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn có liên quan đến cân nặng khi sinh thấp hơn - dù những khu vực này có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn nhưng mức độ ô nhiễm không khí trung bình vẫn nằm trong tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu.

Ngược lại, những phụ nữ sống ở khu vực xanh hơn sinh con có cân nặng khi sinh cao hơn một chút so với những bà mẹ sống ở khu vực ô nhiễm hơn.

Sinsamala giải thích rằng, có thể “các khu vực xanh có thể có lượng phương tiện giao thông thấp hơn hoặc thực vật giúp làm sạch không khí ô nhiễm, hoặc các khu vực xanh có thể giúp phụ nữ mang thai hoạt động thể chất dễ dàng hơn”.

Thời điểm trẻ sơ sinh lớn lên trong bụng mẹ rất quan trọng cho sự phát triển của phổi. Ông lưu ý rằng, “những đứa trẻ có cân nặng khi sinh thấp hơn dễ bị nhiễm trùng ngực và điều này có thể dẫn đến các vấn đề như hen suyễn và COPD sau này”.

Sinsamala dự kiến sẽ trình bày những phát hiện này vào cuối tháng 9 tại Đại hội Quốc tế của Hiệp hội Hô hấp Châu Âu ở Milan, Ý.