Chờ...

Bạn nên uống bao nhiêu nước khi mang thai?

VOH - Một trong những bước đơn giản nhất để thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh là uống đủ nước. Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) chỉ ra rằng, thai phụ cần tới 2,8 lít nước/ngày.

Uống không chỉ giúp thai phụ đủ nước và khỏe mạnh mà còn giúp hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Uống nước đủ còn có thể giúp giảm sưng tấy, giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu và giữ cho đường tiêu hóa của thai phụ hoạt động bình thường. 

uống nước
Uống không chỉ giúp thai phụ đủ nước và khỏe mạnh mà còn giúp hỗ trợ sự phát triển của thai nhi - Ảnh: Medical news today

Xem thêm: Phòng tránh đái tháo đường thai kỳ và những việc mẹ cần làm

Tại sao uống nước lại quan trọng khi mang thai?

Nước rất quan trọng đối với tất cả mọi người, dù có thai hay không, vì hơn 60% cơ thể chúng ta là nước. Nhưng uống nước khi mang thai đặc biệt quan trọng vì nó giúp hỗ trợ sự tăng trưởng, phát triển và hoạt động trao đổi chất của em bé. 

Nước cũng hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ tuần hoàn của bé, cân bằng nước ối, cho phép hấp thụ tối ưu các vitamin tan trong nước, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể…

Nếu không uống đủ nước, thai phụ có  thể gặp một loạt các triệu chứng khó chịu - và đôi khi đáng lo ngại - như chóng mặt, choáng váng, đau đầu và co thắt.

Quá trình mang thai, da của thai phụ cũng có những thay đổi nên uống nhiều nước da càng dễ chịu, thậm chí có thể làm giảm bớt tình trạng da khô ngứa.

Lượng nước khuyến nghị hàng ngày cho người mang thai

Khi mang thai, nhu cầu nước của thai phụ tăng lên. Bác sĩ sản phụ khoa Chitra Akileswaran - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của East Bay Medical Group khuyến nghị về lượng nước uống cho bà bầu là 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày (1 cốc khoảng 250ml), nếu trời nóng hoặc khi tập thể dục, thai phụ sẽ cần nhiều nước hơn. 

Tất nhiên, nhu cầu nước hàng ngày của thai phụ cũng sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu cơ thể, tình trạng sức khỏe và cân nặng. Điều đó nói lên rằng, hầu hết những người mang thai sẽ cần khoảng 2 đến 3 lít nước mỗi ngày, bao gồm nước lọc hoặc nước có hương vị (không thêm đường). 

Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu bù nước khi mang thai

Tiến sĩ, Bác sĩ Ruth O. Arumala cho biết, trong thai kỳ, thể tích huyết tương của người mẹ sẽ tăng hơn 30% vào tam cá nguyệt thứ ba. Ngoài ra, sẽ có những thay đổi sinh lý ở thận bao gồm tốc độ lọc tăng lên. Sự kết hợp của các yếu tố này cộng với nhu cầu nội tại của thai nhi sẽ tạo ra một nhu cầu nước cao hơn bình thường.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, chỉ có khoảng 1/3 số người uống đủ nước khi mang thai. Thiếu nước có thể dẫn đến các biến chứng khi mang thai, như lượng nước ối thấp, sinh non.

Mất nước khi tập thể dục, tiếp xúc với nhiệt độ cao, đổ mồ hôi, làm việc và bị bệnh… là những yếu tố quan trọng thai phụ cần theo dõi để điều chỉnh lượng nước bổ sung.

Một nguyên tắc nhỏ là nhìn vào màu nước tiểu: nước tiểu có màu vàng nhạt có nghĩa bạn uống đủ nước. Nếu nước tiểu bắt đầu chuyển sang màu sẫm hơn, hãy tăng lượng nước cho cơ thể ngay lập tức.

Rủi ro của việc không uống đủ nước khi mang thai

Có một số rủi ro liên quan đến việc không uống đủ nước trong thai kỳ: thai phụ có thể dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc táo bón hoặc có thể gặp phải các cơn co thắt sinh non. 

Bác sĩ sản phụ khoa Lisa Guyton tại St. Elizabeth Healthcare chỉ ra một nguy cơ khác của việc không uống đủ nước khi mang thai là thiểu ối, một tình trạng xảy ra khi lượng nước ối quá thấp.

Trên thực tế, mất nước thường là nguyên nhân hàng đầu gây ra thiểu ối, có thể gây sẩy thai, sinh non hoặc thậm chí thai chết lưu. Thai nhi cũng có thể gặp khó thở khi có quá ít nước ối.

Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa tình trạng mất nước mãn tính khi mang thai với một số vấn đề khác. Ví dụ, cân nặng và chiều dài của em bé khi sinh cũng như chu vi đầu và ngực của chúng có thể bị ảnh hưởng do không uống đủ nước.

Mất nước cũng có thể khiến thai phụ cảm thấy uể oải, buồn nôn và choáng váng. 

uống nước
Thai phụ cần luôn quan sát màu nước tiểu và điều chỉnh lượng nước nạp vào cơ thể - Ảnh: Casa Natal

Theo tờ Parents, huyết áp của thai phụ khi mang thai thấp hơn so với khi không mang thai - đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai (từ tuần 14 đến 28). Nếu thêm tình trạng mất nước, thai phụ trong giai đoạn này có thể ngất xỉu. 

Do đó, cần luôn quan sát màu nước tiểu và điều chỉnh lượng nước nạp vào nếu cần để giữ cho nước tiểu có màu vàng nhạt.

Xem thêm: Màu sắc của nước tiểu nói lên điều gì?

Dấu hiệu mất nước khi mang thai

Bác sĩ Akileswaran cho biết, các dấu hiệu mất nước nhẹ bao gồm nước tiểu màu vàng sẫm, nhức đầu, khô hoặc dính miệng, buồn ngủ, táo bón và chóng mặt.

Các cơn co thắt Braxton-Hicks là một dấu hiệu khác của tình trạng mất nước ở phụ nữ mang thai cần lưu ý. Những điều này chỉ kéo dài một hoặc hai phút và phổ biến nhất trong tam cá nguyệt thứ ba, nhưng cũng có thể xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai.

Cô cho biết thêm, nếu bị mất nước nghiêm trọng, thai phụ có thể cáu kỉnh hoặc bối rối, tiểu ít hoặc không có nước tiểu, nước tiểu rất sẫm màu, mắt trũng và/hoặc nhịp tim tăng, thở nhanh và huyết áp thấp. 

Da của thai phụ cũng có thể thiếu độ đàn hồi khi bị mất nước nghiêm trọng, vì vậy da không thể phục hồi khi bị chèn ép.

Đôi khi các dấu hiệu mất nước có thể bắt đầu từ từ và sau đó trở nên rất rõ ràng. Chẳng hạn như thai phụ có thể cảm thấy đau đầu nhẹ vào gần trưa và nếu không uống đủ nước thì đến chiều muộn có thể bị đau đầu dữ dội kèm theo co thắt tử cung, cực kỳ mệt mỏi. 

Nếu thai phụ nghĩ mình có thể bị mất nước, điều đầu tiên cần làm là uống nước. Đôi khi có thể mất từ ​​30 phút đến một giờ để uống đủ nước và bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. 

Các chuyên gia khuyên, thai phụ nên uống vài ly nước trong 30 phút, sau đó ngồi thoải mái và kê cao chân.

Nếu thai phụ vẫn bị đau đầu dai dẳng, mệt mỏi, chóng mặt hoặc có bất kỳ cơn co thắt tử cung nào sau khi nghỉ ngơi bù nước, hãy liên hệ bác sĩ để trao đổi về tình trạng này.

Cách duy trì lượng nước thích hợp khi mang thai

Một trong những cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu nước trong thai kỳ là chuẩn bị một chai nước có vạch đo lượng nước. Điều này giúp thai phụ biết mình đã tiêu thụ bao nhiêu nước và cần uống thêm bao nhiêu nước trong ngày.

Một số phụ nữ mang thai cũng thấy hữu ích khi đặt báo thức trên điện thoại hoặc đồng hồ để nhắc nhở uống nước đều đặn trong ngày.

Thai phụ cũng có thể thử ăn trái cây và rau quả có hàm lượng nước cao như dưa leo, táo, cải xoong, dâu tây, dưa hấu. Trong khi đó, hãy hạn chế những thực phẩm có tính lợi tiểu tự nhiên như cà phê, trà đen xanh, măng tây. 

Khi lựa chọn đồ uống trong ngày, thai phụ hãy nhớ rằng nước là tốt nhất. Đồ uống có chứa caffein và đường có thể làm tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn, vì vậy hãy tránh xa những thứ đó. 

Nếu nước tinh khiết có vẻ không ngon miệng, hãy thử vắt thêm một ít chanh hoặc một vài miếng trái cây cho vừa miệng. 

Đồ uống thể thao sẽ tốt nếu thai phụ bị mất chất điện giải do tiêu chảy, nôn mửa hoặc đổ mồ hôi quá nhiều, nhưng chúng có thể chứa các thành phần không cần thiết và nhiều đường.