Sau khi uống rượu, bia, bao lâu thì hết nồng độ cồn?

(VOH) - Để không bị thổi phạt về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chúng ta phải chờ bao lâu sau khi uống rượu, bia?

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian từ lúc uống rượu đến khi để xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) khi kiểm tra phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Trong đó có: lượng rượu uống, nồng độ cồn trong rượu (uống càng nhiều nồng độ càng cao); uống rượu lúc đói hay lúc no (uống khi đói hấp thụ nhanh); thời gian uống (uống kéo dài thì rượu tồn tại trong người lâu hơn), tốc độ uống…

Ngoài ra, thời gian hết nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý của từng người. Bởi có những trường hợp sau khi uống 24 giờ vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở nhưng có trường hợp thì không.

Như vậy, sẽ không có câu trả lời chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân trước câu hỏi uống rượu, bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn hay uống rượu, bia sau bao lâu mới được lái xe.

Sau khi uống rượu, bia, bao lâu thì hết nồng độ cồn? 1
Ảnh:OLIVER HENZE / EYEEM

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.

“Ở người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau một giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết một đơn vị cồn (tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ tiếp theo.”

Điều này có nghĩa là với người khỏe mạnh, bình thường, không có bất cứ loại bệnh gì, khi uống 1 đơn vị cồn, phải mất từ 2-3 giờ cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Với người có chức năng gan suy yếu hoặc có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì nồng độ cồn sẽ chuyển hóa lâu hơn.

Khi nhậu, lượng rượu, bia mà người dân uống thường không chỉ dừng lại ở 1 đơn vị cồn. Vì vậy, sẽ cần nhiều thời gian để nồng độ cồn trong cơ thể về mức âm tính.

Để nồng độ cồn dưới 0,25mg/lít khí thở, đàn ông không nên uống quá 2 đơn vị cồn trong giờ đầu tiên và không quá 1 đơn vị cồn trong mỗi giờ tiếp theo. Phụ nữ không nên uống quá 1 đơn vị cồn và không quá 1 đơn vị cồn trong mỗi giờ tiếp theo.

Xem thêm: Làm sao để khử nhanh mùi cồn sau khi uống rượu bia?