Sự nguy hại của vết xước trên chảo chống dính

(VOH) - Một vết xước trên chảo chống dính giải phóng 9.100 hạt vi nhựa và gây hại đến sức khỏe lâu dài của con người.

Nồi, chảo chống dính là dụng cụ rất phổ biến trong nhà bếp. Chúng giúp quá trình chế biến đồ ăn trở nên dễ dàng mà không lo thực phẩm bị dính vào đáy chảo. 

Mặt trong của chảo chống dính được phủ lớp hợp chất cao phân tử gọi là polytetrafluoroetylen (PTFE). Theo một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Ecology Center hồi năm 2022, 79% chảo nấu chống dính và 20% chảo nướng chống dính được phủ PTFE.

Tuy nhiên, lớp phủ chống dính này không tồn tại mãi, chúng dễ bị trầy xước sau một thời gian nấu nướng và cọ rửa. 

Sự nguy hại của vết xước trên chảo chống dính 1
Một vết xước nhỏ trên chảo chống dính giải phóng hàng nghìn vi nhựa

Để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn của việc sử dụng chảo chống dính có vết xước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle và Đại học Finders (Úc) đã tiến hành thí nghiệm. Theo đó, các nhà khoa học đã sử dụng máy quang phổ Raman và thông qua tán xạ của hạt photon để nghiên cứu vi nhựa và nano trên lớp phủ chống dính ở cấp độ phân tử. Sau đó, tính toán lượng lớp phủ này có thể bị bung ra và ngấm vào thức ăn.

Kết quả cho thấy có tới 9.100 hạt vi nhựa sẽ ngấm vào thực phẩm chỉ qua một vết xước nhỏ trên chảo chống dính. Đối với những chiếc chảo xước nhiều, mỗi 30 giây nấu trên bếp nóng, cũng có thể giải phóng khoảng 2.3 triệu hạt vi nhựa. Chúng có khả năng xâm nhập vào thực phẩm, gây hại cho sức khỏe.

Nhà nghiên cứu Cheng Fang, Đại học Newcastle cho biết, PTFE thuộc nhóm các chất per và polyfluorinated (PFAS), một nhóm hóa chất không phân hủy trong môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và tích tụ trong cơ thể của các sinh vật sống.

Hàng triệu hạt nhựa PFAS một khi được giải phóng sẽ lưu hành trong hệ sinh thái một thời gian dài. Điều này giải thích tại sao chúng thường được mệnh danh là “hóa chất vĩnh cửu”. 

Sự nguy hại của vết xước trên chảo chống dính 2
Không nên dùng búi cọ nồi để cọ rửa chảo chống dính

Một số nghiên cứu cũng đã chứng minh, nếu nhiễm quá nhiều hóa chất này sẽ làm giảm khả năng sinh sản, tăng lượng cholesterol, gia tăng nguy cơ béo phì hoặc tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, thận và tinh hoàn. Trẻ em có thể dậy thì sớm hoặc chậm phát triển.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ nhiễm hạt nhựa từ vết xước chảo chống dính, bạn nên sử dụng dụng cụ nấu ăn mềm, không sắc nhọn để tránh làm xước bề mặt chống dính. Ngoài ra, không nên dùng thìa inox, búi cọ nồi để nấu và cọ rửa. Nên thay mới chảo sau 2 năm sử dụng vì quá thời hạn đó, lớp chống dính trên bề mặt chảo không còn bảo đảm. 

Tổng hợp - Nguồn ảnh: Internet