Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng

(VOH) - Từ ngày 19/5/2022, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sẽ tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. 

Theo đó, mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. So với mức cũ từ 1/12/2019 thì mức vay mới này tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Mức vay tối đa này được áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ ngày 19/5/2022.

Quyết định cũng sửa đổi khoản 2 điều 2 về đối tượng được vay vốn: Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:

1. Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.

2. Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.

3. Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng
Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng - Ảnh: Internet 

Quyết định cũng sửa đổi quy định về trả nợ gốc và lãi tiền vay. Cụ thể, kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đã ký hợp đồng trước ngày 19/5/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng và các bên liên quan tiếp tục được thực hiện theo các cam kết, các quyền hạn và trách nhiệm ghi trong hợp đồng đã ký. 

Theo Bộ GD-ĐT, trong điều kiện mức học phí hiện nay (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP), mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng/HSSV) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho HSSV (học phí và chi phí sinh hoạt).

Hiện ước tính mức chi phí học tập của một HSSV là khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất).

Bộ Tài chính cho biết mức vay vốn tối đa cần được điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách nhà nước. 

Việc nâng mức vốn vay cũng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập, qua đó góp phần ổn định đời sống, tâm lý học tập, tư tưởng cho hộ gia đình, nâng cao trình độ dân trí…