Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Saudi Arabia, tháng 6/2023, nhiệt độ ở khu vực Nhà thờ Lớn tại Mecca chạm mức 51,8°C, một trong những mức nhiệt cực đoan được ghi nhận trong mùa hè.
Cuộc hành hương Hajj, thu hút khoảng 1,8 triệu tín đồ mỗi năm đẩy họ phải di chuyển dưới ánh nắng trực tiếp và trong điều kiện khắc nghiệt trong suốt 5-6 ngày. Năm nay, thảm họa Hajj làm dấy lên mối lo ngại về việc giảm thiểu các nguy cơ tử vong liên quan đến nắng nóng.
Theo báo cáo, 83% số người tử vong trong năm 2024 là những tín đồ không có giấy phép tham gia, điều này có nghĩa là họ phải đi bộ trên các quãng đường dài mà không được cung cấp đủ nơi trú ẩn hoặc tiện nghi cơ bản. Việc thiếu sự kiểm soát đám đông và sự vắng mặt của các biện pháp giảm nhiệt đầy đủ đã khiến cuộc hành hương trở thành một thử thách sinh tồn đối với nhiều người.
Thực tế, năm 2024 cũng là năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu, theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus. Điều này làm cho việc đối phó với nhiệt độ cực đoan trong mùa hè ở Mecca càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh này, chính quyền Saudi Arabia tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt cho cuộc hành hương Hajj năm nay.
Các kế hoạch bao gồm tăng cường hệ thống làm mát, kiểm soát đám đông chặt chẽ hơn và giảm thiểu số lượng tín đồ hành hương không có giấy phép.
Các biện pháp giảm nhiệt như lắp đặt máy lạnh, tạo các lối đi có kiểm soát khí hậu và phân phát nước uống cho người hành hương đã được triển khai từ nhiều năm nay.
Các chuyên gia cho rằng các biện pháp này vẫn chưa đủ để đối phó với tình trạng nắng nóng khắc nghiệt hiện nay. Một số ý kiến cho rằng chuyển cuộc hành hương Hajj sang mùa đông có thể là giải pháp lâu dài, khi mà biến đổi khí hậu dự báo sẽ khiến nhiệt độ vượt quá "ngưỡng nguy hiểm”.