Dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng tỷ lệ tai nạn hay sự cố tăng lên vào ngày này, nhưng các thảm kịch lớn xảy ra vào thứ 6 ngày 13 đã làm cho sự mê tín này ngày càng ăn sâu vào tâm lý xã hội.
Thảm kịch nổi bật vào thứ 6 ngày 13
Thứ 6 ngày 13/10/1972 là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử hàng không. Máy bay chở đội bóng bầu dục Uruguay đâm vào dãy núi Andes ở Chile, khiến 31 người thiệt mạng và chỉ có 14 người sống sót sau hai tháng chờ đợi cứu hộ.
Ngay cùng ngày, một thảm kịch khác xảy ra tại Nga khi chiếc máy bay Aeroflot 217 rơi chỉ cách đường băng 5km do thời tiết xấu, làm 174 người thiệt mạng.
Một thảm họa tài chính cũng xảy ra vào thứ 6 ngày 13/10/1989, khi thông tin về sự thất bại trong việc mua lại Tập đoàn UAL được công bố, khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Chỉ số Dow Jones giảm mạnh 6,91%, Nasdaq mất 3,09%, và S&P 500 giảm 6,12%, gây ra sự hoảng loạn trên thị trường.
Ngày thứ 6 13/1/1939, vụ cháy rừng ở bang Victoria, Australia khiến 71 người chết và phá hủy gần 575.000 hecta rừng, trong khi vào ngày thứ 6 13/1/2012, tai nạn tàu Costa Concordia đắm ở Italy làm 31 người thiệt mạng.
Và không thể không nhắc đến trận động đất vào thứ 6 ngày 13/3/1992 tại Thổ Nhĩ Kỳ, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người và khiến 50.000 người mất nhà cửa.
Vì sao nhiều người sợ thứ 6 ngày 13?
Theo giáo sư sử học Michael Bailey từ Đại học Bang Iowa, nỗi sợ thứ 6 ngày 13 bắt nguồn từ Kitô giáo. Theo truyền thuyết, Chúa Jesus bị đóng đinh vào thứ 6 ngày 13, và từ đó, ngày này được coi là một ngày xấu.
Trong thời Trung cổ, người ta kiêng tổ chức hôn lễ vào thứ 6, và không khuyến khích bắt đầu những chuyến đi quan trọng vào ngày này.
Giáo sư tâm lý học Stuart Vyse từ Đại học Connecticut lý giải rằng con số 13 có sự liên quan mật thiết đến sự phản bội trong truyền thuyết Kitô giáo, khi Judas Iscariot, môn đệ thứ 13, phản bội Chúa Jesus. Thêm vào đó, trong thần thoại Bắc Âu, câu chuyện về người anh hùng Balder bị Loki - nhân vật thứ 13 tại bữa tiệc - giết chết càng làm tăng nỗi ám ảnh về con số này.
Một số người giải thích rằng con số 13 là một con số "xấu" vì nó theo sau số 12, con số tượng trưng cho sự hoàn hảo và trọn vẹn trong nhiều nền văn hóa. Các nền văn minh cổ đại thường có 12 tháng trong năm, 12 cung hoàng đạo, 12 con giáp và 12 tông đồ của Chúa Jesus, khiến số 13 trở nên không hoàn thiện và mang tính "lệch lạc".
Để làm sáng tỏ vấn đề, các nhà khoa học Đức đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2011, công bố trên Tạp chí Phẫu thuật Thế giới.
Họ phân tích số liệu từ 3.281 ngày tại một bệnh viện và kết quả cho thấy không có sự gia tăng nào về các ca cấp cứu vào thứ 6 ngày 13, chứng tỏ rằng đây chỉ là một hiện tượng tâm lý và không có cơ sở khoa học để kết luận ngày này thực sự "xui xẻo".