Lễ hội này là dịp để tôn vinh văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của cộng đồng Igbo-Ora, nơi có tỷ lệ sinh đôi cao nhất thế giới.
Trong lễ hội, các cặp song sinh thuộc mọi lứa tuổi đã cùng nhau ca hát, nhảy múa, và trình diễn trang phục đầy màu sắc, tạo nên không khí rộn ràng và sôi động.
Một người dân cho biết: "Hầu như gia đình nào ở Igbo-Ora cũng đều có một cặp song sinh". Điều này đã khiến Igbo-Ora trở thành thị trấn nổi tiếng với cái tên "Thủ đô của các cặp song sinh".
Theo ông Taiwo Ojewale, trợ lý nghiên cứu văn hóa Yoruba tại Đại học Ibadan, việc tôn vinh các cặp song sinh bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn giáo truyền thống.
Trong đó, trẻ sinh đôi được coi là món quà từ thần Olodumare, mang đến bình an, thịnh vượng và may mắn cho cha mẹ chúng.
Lịch sử truyền miệng của người Igbo-Ora mô tả những đứa trẻ này như phần thưởng sau những khó khăn mà cộng đồng đã trải qua.
Mặc dù tỷ lệ sinh đôi trung bình trên thế giới là 12/1.000 ca sinh, tại Igbo-Ora, con số này lên tới gần 50/1.000 ca.
Một trong những lý do được cho là do chế độ ăn đặc biệt của phụ nữ tại đây, chủ yếu bao gồm lá đậu bắp và súp Amala, món ăn địa phương làm từ khoai mỡ và bột sắn.
Có giả thuyết cho rằng khoai mỡ chứa chất gonadotropin, kích thích quá trình rụng nhiều trứng, làm tăng tỷ lệ sinh đôi. Tuy nhiên, các chuyên gia sinh sản cho rằng chưa có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và tỷ lệ sinh đôi.
Lễ hội song sinh của Igbo-Ora không chỉ là sự kiện văn hóa, mà còn là cơ hội để quảng bá du lịch. Jimoh Olajide Titiloye, đại diện chính quyền Igbo-Ora, cho biết lễ hội được tổ chức nhằm biến thị trấn thành "điểm đến du lịch song sinh hàng đầu trên thế giới" và hy vọng được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness.