Đây là một tất yếu lịch sử trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ. Các cấp, các ngành không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, trình làng những sản phẩm có tính ưu việt, phục vụ đời sống xã hội ngày càng tốt hơn.
Chuyển đổi số “gõ cửa” từng nhà
“Cẩm nang số” của thành phố đông dân nhất nước sẽ trở thành “bảo bối”, giúp người dân nắm bắt đầy đủ thông tin liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm. Đồng thời tăng thêm tính tương tác giữa chính quyền với nhân dân.
Trải nghiệm 4.0 này, cũng góp phần rút ngắn khoảng cách từ nhà đến những địa chỉ giải quyết thủ tục hành chính. Nắm bắt chính xác, tra cứu đầy đủ, phản hồi kịp thời… là những tiện ích có thể đúc kết được từ app mới nhất này.
Nhân dịp “người anh cả” trong làng app của TPHCM xuất hiện, nhiều người bày tỏ mong muốn thống nhất “anh em nhà app” về một đầu mối. Sẽ tiện lợi hơn nếu ứng dụng có đủ tính khoa học, tiết kiệm, tiện ích và đơn giản hóa.
Có thể thấy, hiện nay trên màn hình điện thoại thông minh của mỗi người, luôn hiển thị “nhan nhản”, dày đặc app. Mỗi ứng dụng có một tính năng và lợi ích riêng, do các cơ quan khác nhau quản lý.
Dĩ nhiên, đi cùng với đó là mật khẩu của mỗi app phải khác nhau. Điều này dẫn đến bộ nhớ điện thoại nhanh đầy dung lượng, người dùng bị “quá tải” mật khẩu (passworld). Trí nhớ không thể dung nạp hết hàng chục mật khẩu khác nhau, nhất là với những ứng dụng ít khi truy cập, sử dụng.
Tình trạng “bội thực” app là có thật. Chẳng hạn, phụ huynh có con đi học đều phải tải ứng dụng của trường học. Hai con học ở hai trường khác nhau thì cha mẹ phải tải ít nhất 2 app, chưa kể tại nơi làm việc cũng phải tham gia các ứng dụng của ngành.
Về nơi cư trú cũng có app địa phương (app của quận và phường). Mở tài khoản ngân hàng đương nhiên cũng tải ứng dụng. Muốn đặt xe công nghệ việc đầu tiên là tải app. Bên cạnh những ưu điểm vẫn tồn tại việc “ngộp” vì lạm dụng app, khiến cho giờ đây nhà nhà dùng app, người người tải ứng dụng.
Thống nhất về app “đầu mối”
Hiện nay, chúng ta có “tổng kho” VNeID hoàn chỉnh. Nguồn dữ liệu, thông tin từ các “chi nhánh”, đầu mối lớn, nhỏ đều được vận chuyển về đây. Những nhu cầu liên quan đến đời sống, kể cả các giấy tờ cá nhân của người đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2, cũng được tích hợp trong “ngôi nhà chung” này.
Do đó, cần nghiên cứu, liên thông các app địa phương với ứng dụng mang tầm cỡ quốc gia, để tạo sự thống nhất từ trung ương đến cơ sở.
Từ kinh nghiệm của TPHCM, mỗi tỉnh thành nên hợp nhất các ứng dụng nhỏ lẻ thành một “app tổng”, mang tên địa phương mình. Như vậy cả nước sẽ chỉ còn lại VNeID và 63 app tỉnh, thành. Thuận tiện cho người dân cũng chính là cho các cơ quan quản lý, vận hành và khai thác ứng dụng.
Thực tế cho thấy, càng ít ứng dụng, người dùng càng giảm được nguy cơ bị rơi vào bẫy lừa đảo lợi dụng công nghệ cao.
Do nhu cầu cuộc sống, người dân đang phải cùng lúc nắm trong tay nhiều tài khoản như: Facebook, Zalo, Gmail… khiến cho mỗi lần quên mật khẩu là phải thực hiện cài đặt lại. Tất nhiên, kẻ xấu cũng không bỏ qua cơ hội mạo danh để trục lợi.
Cùng với sự ra đời của một ứng dụng mới, cũng nên ban hành kèm theo những khuyến cáo, giúp người dân nhận biết “hàng thật, hàng giả”, tránh bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Cần chủ động dự báo trước tình hình, không loại trừ khả năng kẻ gian sẽ liên lạc với khách hàng, tự xưng là “người có trách nhiệm” yêu cầu xác thực thông tin cá nhân. Dẫn đến những trường hợp rơi vào bẫy lừa tinh vi, tài khoản cá nhân bị lộ lọt sẽ không thể lường hết hậu quả.