Tranh cãi giới tính gây chia rẽ Olympic Paris

VOH - Những vấn đề gây tranh cãi về giới tính của vận động viên đã tạo nên sự chia rẽ ở kỳ Olympic Paris 2024.

Tranh luận đã nổ ra khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho phép hai nữ võ sĩ từng bị loại khỏi giải Vô địch năm ngoái vì trượt bài kiểm tra giới tính được thi đấu tại Olympic năm nay.

Theo AFP, võ sĩ Imane Khelif (đến từ Algeria) sẽ thi đấu ở hạng cân 66kg, và Lin Yu Ting (đại diện Đài Loan) sẽ tranh tài ở hạng cân 57kg.

Trước đó, tại giải quyền Anh thế giới năm 2023, Hiệp hội quyền Anh Quốc tế (IBA) đã thực hiện xét nghiệm DNA với Khelif và Lin. Chủ tịch Hiệp hội Quyền anh Quốc tế, Umar Kremlev, cho biết xét nghiệm DNA đã chứng minh Khelif và Lin đều có nhiễm sắc thể XY nên bị loại khỏi nội dung thi đấu dành cho nữ.

Nhưng IBA đã chính thức bị loại khỏi Olympic vào năm ngoái sau một cuộc tranh chấp gay gắt và bị cấm tổ chức các trận đấu quyền Anh tại Olympic Paris 2024. Vì vậy Ủy ban Olympic Quốc tế đã thành lập Ban quyền Anh Paris 2024 (PBU) để thay thế.

Các luật lệ PBU áp dụng thoáng hơn so với IBA nên Khelif và Lin đã được phép tham dự Olympic. Theo Người phát ngôn của IOC, Mark Adams: "Tất cả VĐV tham gia thi đấu ở hạng mục nữ đều tuân thủ các tiêu chí đủ điều kiện".

"Họ là phụ nữ trong hộ chiếu và điều đó được ghi rõ, và họ là phụ nữ. Những vận động viên này đã thi đấu nhiều lần trong nhiều năm. Họ không bỗng nhiên xuất hiện trên sàn đấu", Adams nhấn mạnh.

Quyết định của Ủy ban Olympic nhanh chóng gây ra làn sóng phản đối dữ dội. 

Snapinsta.app_439318258_696630019151056_3354945913545213765_n_1080
CNA
Việc Imane Khelif (ảnh trên) và Lin Yu Ting không vượt qua bài kiểm tra giới tính vào năm ngoái vẫn được thi đấu tại Olympic năm nay đã gây ra làn sóng phản đối - Nguồn: CNA.

Lập trường của IOC đã vấp phải những bình luận giận dữ từ nhiều nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ, trong đó có cựu VĐV bơi lội người Mỹ Riley Gaines.

Gaines đã có những bình luận gay gắt, trong đó cô gọi Khelif là "võ sĩ quyền anh nam" và cho rằng Thế vận hội đang "vinh danh việc đấm vào mặt phụ nữ".

"Hãy tưởng tượng bạn là cô gái đã nỗ lực cả đời để tập luyện, trở nên đủ giỏi để giành được một suất tham dự Olympic, hy vọng giành được huy chương, rồi bỗng dưng bạn được bảo rằng phải đấu với một người đàn ông. Đó chính là thực tế bi thảm đối với những vận động viên nữ", cô đăng trên X.

Hay như sau trận đấu giữa đội tuyển bóng đá nữ Australia với Zambia hôm 29/7 cũng trở thành chủ đề bàn luận quốc tế, liên quan đến màn thể hiện của tiền đạo Racheal Kundananji - người đã ghi hai bàn vào lưới đội tuyển Australia. 

z5685370745373_9a8b444b1f768d4b194d8748343a2689
Tiền đạo Racheal Kundananji của tuyển bóng đá nữ Zambia cũng gây tranh cãi khi được phép thi đấu tại Olympic Paris - Ảnh: Shutterstock.

Kundananji từng bị cấm tham dự giải đấu Cúp các quốc gia châu Phi năm 2022 sau khi "không vượt qua được bài kiểm tra đủ điều kiện về giới tính", do mức testosterone tự nhiên của cô cao hơn mức cho phép của Liên đoàn bóng đá châu Phi.

Về sự kiện này, Zelic - bình luận viên Thế vận hội cho đài phát thanh Nine - đã bày tỏ: "Việc Ủy ban Olympic quốc tế không có những quy định 'nghiêm ngặt' khi xét nghiệm giới tính cũng ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức này và các môn thể thao được tổ chức".

Bình luận