Trào lưu nấu ăn không cần nồi trên TikTok có thể ảnh hưởng đến sức khỏe

(VOH) – Trào lưu nấu thức ăn trực tiếp trong giấy bạc mà không cần nồi khiến nhiều người cảm thấy thích thú vì sự tiện lợi nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Giấy bạc (giấy nhôm) thường được sử dụng cho các món nướng, giúp thức ăn chín đều, nhanh, hạn chế lượng dầu đồng thời tạo hương vị tốt hơn.

Gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện các video hướng dẫn dùng giấy bạc nấu ăn thay cho nồi hoặc chảo (nấu ăn không cần nồi). Cụ thể, thức ăn (có thể được phết thêm một chút dầu hoặc sốt ướp) được gói lại trong giấy bạc rồi đun trực tiếp trên bếp gas/bếp điện.

Cách làm này khiến nhiều người cảm thấy thích thú vì sự sáng tạo và tiện lợi. Tuy nhiên, mọi người lại quên mất rằng, kim loại từ giấy bạc có thể rò rỉ vào thức ăn, ảnh hưởng sức khỏe.

Tại sao không nên dùng giấy bạc để nấu ăn trực tiếp trên bếp?

Theo thông tin từ Thư viện y khoa quốc gia Mỹ, Trung tâm thông tin công nghệ sinh học quốc gia Mỹ và một số nghiên cứu đã được công bố, nhôm trong giấy bạc có nguy cơ ngấm vào thức ăn khi bị tác động nhiệt quá cao.

Vì vậy, việc dùng giấy bạc thay nồi/chảo và nấu trực tiếp trên bếp lửa/bếp điện ở nhiệt độ cao có thể làm tăng hàm lượng nhôm trong thực phẩm. Lượng nhôm ngấm vào thức ăn thậm chí còn nhiều hơn nếu bạn nấu các loại thực phẩm có tính axit như cà chua, bắp cải, giấm… khiến giấy bạc dễ bị hỏng (axit phản ứng với nhôm dẫn đến ăn mòn).

Ngoài ra, việc sử dụng muối và gia vị trong quá trình nấu nướng cũng tác động đến lượng nhôm ngấm vào thức ăn.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng hấp thụ lượng nhôm cao trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Ví như dẫn đến nguy cơ ức chế tốc độ tăng trưởng của tế bào, gây hại cho bệnh nhân mắc bệnh về xương, thận.

Nhôm từng gắn liền với bệnh Alzheimer sau khi người ta tìm thấy một lượng nhôm cao trong mô não của bệnh nhân mắc Alzheimer. Song cho đến nay, khoa học chưa tìm thấy bằng chứng về mối hiện hệ giữa hàm lượng nhôm cao với sự phát triển của bệnh Alzheimer.

Trào lưu nấu ăn không cần nồi trên TikTok có thể ảnh hưởng đến sức khỏe 1
Dùng giấy bạc nấu ăn trực tiếp trên bếp có thể làm tăng hàm lượng nhôm trong thực phẩm - Ảnh:  SHUTTERSTOCK

Với việc sử dụng giấy bạc nấu ăn, dù lượng nhôm giải phóng vào thức ăn trong một lần nấu không quá nhiều nhưng người nhạy cảm hoặc có nguy cơ mắc Alzheimer cao vẫn nên cẩn thận. Ngoài ra, cách sử dụng cũng cần được lưu ý vì nó sẽ quyết định việc thôi nhôm từ giấy bạc vào thực phẩm nhiều hay ít.

Rõ ràng, thay vì dùng giấy bạc nấu ăn trực tiếp trên bếp, chúng ta có nhiều lựa chọn đơn giản và an toàn hơn. Đó là nấu chín thực phẩm theo cách bình thường trong các dụng cụ bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ.

Do đó, nếu có ý định thực hiện đặc biệt là áp dụng bất cứ trào lưu nào trên mạng xã hội vào cuộc sống, mọi người cần phải tìm hiểu kỹ lợi - hại.

Có nên ngừng sử dụng giấy bạc?

Năm 2006, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đã siết chặt lại việc sử dụng nhôm trong thực phẩm và đưa ra khuyến cáo, mức dung nạp hằng tuần với nhôm là 1 mg/kg thể trọng. Tức là một người nặng 60kg chỉ nên tiêu thụ tối đa 60 mg nhôm/tuần.

Trên thực tế, nhôm không chỉ có tự nhiên trong hầu hết các loại thực phẩm mà còn được con người đưa vào làm phụ gia thực phẩm, đánh phèn nhôm, làm thuốc, làm các dụng cụ trong nhà bếp… 

Khi vào cơ thể, nhôm được hấp thu qua đường ruột, một phần tích lũy ở các mô rải rác trong cơ thể (nhiều nhất ở xương), một phần bài tiết ra ngoài theo phân hoặc nước tiểu. Tỷ lệ tích lũy và đào thải tùy thuộc một phần nhôm được đưa vào cơ thể ở dạng nào.

Trào lưu nấu ăn không cần nồi trên TikTok có thể ảnh hưởng đến sức khỏe 2
Chúng ta vẫn có thể dùng giấy bạc trong quá trình nấu nướng, chỉ cần lưu ý cách sử dụng - Ảnh: GETTY IMAGES

Như vậy, việc dùng giấy bạc nấu ăn cũng chỉ là một chỉ là một nguồn đóng góp vào lượng nhôm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Nhôm vào cơ thể còn bị đào thải, lượng nhôm thôi nhiễm từ giấy bạc cũng không đáng kể.

Do đó, chỉ cần không dung nạp quá mức (tức chú ý vấn đề đưa vào nhiều hay ít) và sử dụng giấy bạc đúng cách thì không cần quá lo lắng. Nếu muốn, bạn có thể chủ động hạn chế dùng giấy bạc nấu nướng để giảm thiểu lượng nhôm tiêu thụ.

Một số cách giảm thiểu lượng nhôm trong chế độ ăn uống

  • Hạn chế sử dụng các dụng cụ nấu ăn bằng nhôm, giảm thiểu việc dùng giấy bạc… và đặc biệt tránh dùng chúng để nấu/đựng các loại thực phẩm có tính axit, đồ ăn mặn, nhiều gia vị. Tránh nấu ăn ở nhiệt độ cao. 
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn (có thể được đóng gói bằng màng nhôm hoặc chứa chất phụ gia thực phẩm chứa nhôm), ưu tiên đồ ăn nấu tại nhà.
  • Lưu ý khi ăn những thực phẩm có khá nhiều nhôm như các loại dưa củ cải muối dùng phèn nhôm.