Giải nhất cuộc thi đã được trao cho tác giả Huỳnh Thanh Danh với bức ảnh “Trèo cây lưng đen” (Beautiful Nuthatch).
3 giải Ấn tượng là giải “Chim quí hiếm” được trao cho bức ảnh “Bồ câu Nicoba” của Nguyễn Ngọc Vinh; giải “Chim di cư ven biển” được trao cho bức ảnh “Te Mào” của Bùi Thành Trung; giải “Chim đặc hữu” được trao cho bức ảnh “Trèo cây mỏ vàng” của tác giả Trần Nhật Tiên.
Ngoài ra còn 2 giải Nhì, 3 Ba và 4 giải Khuyến khích.
Sau 1 tháng công bố cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 469 bức ảnh từ 141 tác giả trong và ngoài nước tham gia cuộc thi. Qua vòng chấm sơ khảo đã chọn được 60 tác phẩm để trưng bày triển lãm. Trong đó 13 tác phẩm được trao giải và 3 giải được trao từ các đơn vị tài trợ.
Qua cuộc thi các hình ảnh đẹp về chim được chụp từ các miền của tổ quốc như vùng đất ngập ven biển Xuân Thủy, các đầm lầy nước ngọt Tràm Chim, các cánh rừng ở Trường Sơn, Hoàng Liên Sơn, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… góp phẩn phản ánh các hệ sinh thái đa dạng và phong phú trong của nước ta.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Đoàn Hoài Trung, chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM đánh giá cao chất lượng của các ảnh tham gia dự thi. Đây không chỉ là những ảnh đẹp, quí hiếm về các loài chim mà còn là những tác phẩm tuyệt vời về môi trường thiên nhiên hoang dã của Việt Nam.
Cuộc thi và Triển lãm ảnh Chim hoang dã Việt Nam 2023 được tổ chức nhằm tìm kiếm những bức ảnh chụp về chim hoang dã sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, những tác phẩm chụp về chim có hình dáng, những khoảnh khắc đẹp,... Qua đó tìm kiếm những loài chim quý hiếm cũng như mong muốn mọi người cùng chung sức bảo vệ các loài chim hoang dã trong môi trường tự nhiên.
Tại Việt Nam người ta tìm thấy hơn 900 loài chim hoang dã trong các hệ sinh thái đa dạng của Việt Nam. Trong đó có những loài chim đặc hữu và quí hiếm như Trĩ sao, Gà lôi Lam, Gà tiền, Khướu Ngọc Linh, Khướu Konkakinh, Mi Langbian, Rẽ mỏ thừa, Sếu đầu đỏ…
Qua cuộc thi không chỉ trưng bày hình ảnh các loài chim di cư như một phần di sản thiên nhiên không thể xóa nhòa mà còn nhắc nhở về tính cấp thiết của việc bảo vệ các loài chim di cư và vùng đất ngập nước cho các thế hệ tương lai.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM Đoàn Hoài Trung cũng đã trao Quyết định Công nhận Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Thiên nhiên hoang dã Việt Nam cho ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ. Đây là Câu lạc bộ nhiếp ảnh nghệ thuật thứ 10 trực thuộc Hội Nhiếp ảnh TPHCM.
“Trèo cây lưng đen”: Từ khi được phát hiện bởi các nhà điểu học người Pháp hơn trăm năm trước, gần như không ai bắt gặp lại được, Sau nhiều năm tìm kiếm, cho đến gần đây những người yêu chim mới phát hiện ra sự hiện diện của loài này ở Việt Nam tại Mù Căng Chải và Nghệ An, việc loài này tái xuất hiện đã gây xôn xao cho cộng đồng yêu chim
“Trèo cây mỏ vàng”: Là loại phân bố hẹp, chỉ xuất hiện ở một số khu vực vùng cao của Việt Nam, Lào, Trung Quốc, số lượng ngày càng suy giảm khiến cho các nhà điểu học lo lắng.
Bồ câu Nicoba: Hiện tại Bồ câu Nicoba chỉ có thể gặp ở Côn Đảo có thể xem là loài bồ câu hiếm và đẹp nhất ở nước ta, số lượng cá thể này không có nhiều, rất nhút nhát và khó kiếm.
Một số ảnh đạt giải và trưng bày tại triển lãm: