Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm nay, con số kỷ lục 13,42 triệu học sinh đã đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học - bắt đầu vào thứ Bảy tuần trước.
Một số tỉnh của Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát kỳ thi tuyển sinh đại học, hay còn gọi là gaokao, đồng thời trấn áp hành vi gian lận và các hành vi vi phạm khác.
Năm nay, Bắc Kinh đã nâng cấp hệ thống kiểm tra thông minh được sử dụng trong kỳ thi gaokao với tính năng giám sát và nhận dạng video nhạy cảm hơn.
Quay đầu, cúi xuống nhặt đồ, giao tiếp giữa giám thị và học sinh... những hành động nhỏ như vậy sẽ được hệ thống video ghi lại, có thể nhanh chóng xác định những sai phạm đáng ngờ, chính xác đến từng thí sinh.
Nhiều thành phố còn bố trí phương tiện dò sóng vô tuyến, sử dụng robot tuần tra và máy bay không người lái để hỗ trợ cho kỳ thi.
Theo SCMP, các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam ở phía nam Trung Quốc và Sơn Đông ở phía đông đã áp dụng “hệ thống tuần tra thông minh nhân tạo” để giám sát kỳ thi nhằm giám sát chặt chẽ và đảm bảo tính công bằng.
“Chúng ta nên tích cực thúc đẩy việc kiểm tra thông minh theo thời gian thực đối với các phòng thi để tăng cường hơn nữa hệ thống công nghệ cao nhằm ngăn chặn gian lận” - Bộ Giáo dục cho biết vào ngày 1/6.
Ở Trung Quốc, gaokao được nhiều người coi là kỳ thi quan trọng nhất, kỳ thi có thể quyết định hoặc hủy hoại tương lai của một người trẻ. Các thí sinh cạnh tranh ‘khốc liệt’ để được nhận vào các trường đại học hàng đầu của đất nước, theo đó chính quyền phải thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn gian lận.
Các cơ quan quản lý đã áp dụng nhiều công nghệ khác nhau trong những năm gần đây, bao gồm cả việc triển khai máy bay không người lái để phát hiện các hoạt động gian lận vào năm 2015. Và kể từ năm 2016, gian lận trong kỳ thi gaokao có thể bị coi là tội hình sự.
Theo tờ Quảng Đông Nhật báo, tỉnh này đã triển khai AI trên 386 địa điểm thi để phát hiện gian lận, đạo văn và các hành vi bất thường khác thông qua dữ liệu hình ảnh và video. Nếu phát hiện bất thường, hệ thống sẽ ngay lập tức kích hoạt cảnh báo để người giám sát hành động.
AI cho phép xử lý và xem xét lượng lớn video giám sát một cách nhanh chóng để phát hiện thí sinh vi phạm. Tuy nhiên, hệ thống AI không thể thay thế hoàn toàn đôi mắt con người.
Hongxing News, một cơ quan truyền thông Trung Quốc cho biết, thông tin cảnh báo do AI cung cấp sẽ được xác minh thủ công và các quan chức kiểm tra con người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong trường hợp xảy ra vấn đề.
Theo quy định, các kỳ thi kéo dài từ 75 đến 150 phút và mỗi phòng thi thường có hai giám thị hoặc giám sát viên để giám sát 30 thí sinh.
Theo một bài báo phân tích việc sử dụng AI trong các kỳ thi, thông qua việc đào tạo lặp đi lặp lại AI, tỷ lệ chính xác của nó hiện cao hơn nhiều so với sự giám sát của con người.
Bài báo cáo do nhóm nghiên cứu của Cơ quan khảo thí giáo dục Tứ Xuyên viết và do giám đốc bộ phận CNTT Yang Xiaoling chủ trì, đã được xuất bản trên tạp chí Đánh giá và Kiểm tra Giáo dục vào tháng 3.
AI cho phép xử lý số lượng lớn video giám sát và rút ngắn thời gian xem xét. Thông qua khả năng học tập của AI, tập dữ liệu lớn có thể được biến thành tài liệu để giúp cải thiện việc giám sát kỳ thi trong tương lai.
Công nghệ thị giác máy tính được sử dụng để chụp và xử lý hình ảnh môi trường thi, trích xuất các đặc điểm hình ảnh. Sau đó, các thuật toán học máy sẽ huấn luyện các đặc điểm hình ảnh này để thiết lập một mô hình xác định các hành vi bất thường của thí sinh, có thể áp dụng cho việc giám sát kỳ thi theo thời gian thực.
Các nhà phân tích lưu ý rằng, dù công nghệ AI chưa thể thay thế hoàn toàn sự giám sát của con người, nhưng nó có thể giúp bảo vệ uy tín của gaokao đồng thời giảm áp lực cho giám thị.
Họ cho biết, với sự phong phú và phát triển không ngừng của công nghệ AI, sẽ có thêm nhiều “công nghệ cốt lõi” được áp dụng để bảo vệ kỳ thi tuyển sinh đại học và các hành vi gian lận trong thi cử sẽ giảm đi một cách hiệu quả, thậm chí bị loại bỏ.