Ứng phó bão số 3: Đã sơ tán hơn 37.000 người đến nơi an toàn

VOH - Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân dự trữ nước uống, lương thực, thuốc men, vật dụng cần thiết tối thiểu cho 7 ngày.

Theo Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 6/9, các địa phương đã sơ tán 37.188 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn.

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh sơ tán 3.000 người, thành phố Hải Phòng sơ tán 9.259 người; Thái Bình sơ tán 21.510 người; Nam Định sơ tán 734 người; Ninh Bình sơ tán 2.685 người.

bao-so-3-giao-thuy-17256257060231222033707
Người dân huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đưa tàu thuyền lên vị trí cao để tránh báo trong chiều 6/9 - Ảnh: TTO

Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin diễn biến của bão, cất giữ giấy tờ quan trọng trong túi không thấm nước; lưu các số điện thoại khẩn cấp khi cần cứu hộ cứu nạn; dự trữ nước uống, lương thực, thuốc men, vật dụng cần thiết tối thiểu cho 7 ngày.

Cùng với đó cần gia cố, bảo vệ lồng, bè, tài sản, gia súc, gia cầm, thanh thủ thu hoạch sớm nông sản; gia cố chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây. Đồng thời xác định vị trí an toàn để trú ẩn, chủ động sơ tán khi cần thiết.

Đối với ngư dân cần giữ liên lạc giữa tàu, thuyền và đất liền, điều khiển tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm. Người dân cần chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Trong bão, người dân nên theo dõi diễn biến bão, ở trong nhà hoặc nơi trú ẩn, không đi ra ngoài.

Nếu buộc phải ra ngoài nên mang theo các vật dụng như đèn pin, áo phao, còi, điện thoại để thông tin khi có sự cố.

Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu hộ, cứu nạn, chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng.

Không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản; không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ, đề phòng tai nạn do đổ nhà, các vật dụng có thể bay, điện giật.

Đặc biệt, không đi gần, hoặc dẫm lên các đường dây điện, cột điện bị đổ. Không tìm cách vượt qua các cây đổ chắn ngang đường vì có thể có dây điện mắc vào.

Sau khi bão tan, người dân nên kiểm tra lại nhà ở, các thiết bị trong nhà đặc biệt thiết bị điện trước khi sử dụng. Dọn dẹp nhà ở và vệ sinh môi trường, tham gia dập dịch bệnh và xử lý môi trường. Xử lý nước sạch, an toàn để ăn uống, sinh hoạt. Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời đầy đủ, chính xác với chính quyền địa phương.

Bình luận