Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cần xây dựng chương trình kích cầu bền vững

(VOH) - Hơn 1 tháng kể từ ngày Bộ VH - TT & DL phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, các chiến dịch liên quan đến hoạt động này cũng đã được triển khai rộng khắp.

Cụ thể, ngay sau đợt phát động đó, Tổng Cục du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng ngành du lịch ở các địa phương, xây dựng các chương trình kích cầu du lịch trên với mức ưu đãi lớn chưa từng có. Với hoạt động này, ngành du lịch muốn gửi thông điệp đến du khách trong cả nước về các điểm đến an toàn sau thời gian dài kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, không để lây lan trên phạm vi toàn quốc. Chiến dịch chính thức bắt đầu từ khu vực miền Tây Nam bộ, tiếp đó là khu vực miền Trung - Tây nguyên, Đồng bằng Bắc bộ, Vòng cung Đông Bắc, Tây bắc và sau cùng là miền Đông Nam bộ. Bằng chính sách khuyến mãi sâu trên mọi phân khúc của hoạt động du lịch, du khách đã bắt đầu tự tin trở lại điểm đến. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu và gói trải nghiệm của du khách đã thay đổi so với trước kia.

Cần xây dựng chương trình kích cầu bền vững

Du khách trải nghiệm màn xiếc của các loài chim tại Công viên chăm sóc và Bảo tồn động vật Safari Phú Quốc.

Theo ghi nhận, nhiều điểm đến thu hút du khách ở Việt Nam hằng năm như Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Hạ Long - Quảng Ninh, lượng khách trong tháng 6 vừa rồi đã bắt đầu tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, qua trao đổi, ngành du lịch Lâm Đồng cho biết, lượng khách đến đây chủ yếu vẫn tập trung vào các ngày cuối tuần, từ thứ 6 đến Chủ nhật, các ngày còn lại, số lượng khách chiếm khoảng 30 - 40%. Trước thực tế đó, chính sách kích cầu ở các điểm tham quan, các khách sạn, nhà hàng ở Đà Lạt nói riêng cũng như nhiều tỉnh thành khác nói chung, chủ yếu vẫn muốn kéo du khách trải đều ở các ngày trong tuần. Bà Phạm Thị Hồng Hiếu, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Khách sạn Ladalat cho biết: trước đây, phân khúc khách hàng của Ladalat chủ yếu hướng đến thị trường khách quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, với việc đóng cửa qua lại giữa Việt Nam - Hàn Quốc, sự độc tôn một thị trường đã khiến việc kinh doanh của đơn vị trở nên khó khăn. Thực tế đó khiến Ladalat phải chuyển hướng sang phân khúc thị trường khách nội địa. Chính sách thiết thực nhất để hưởng ứng chương trình kích cầu, là đơn vị này đã giảm giá cực kỳ ưu đãi với mức giảm 50% giá phòng cho du khách trong nước nhằm kéo du khách lưu trú nhiều hơn.

Bà Phạm Thị Hồng Hiếu cho biết: "Từ sau dịch, mình hướng đến phân khúc khách hàng nội địa, nên buộc phải có những chương trình kích cầu du lịch trong nước. Ngoài việc giảm giá, chúng tôi còn cung cấp thêm những bữa ăn, hướng đến khai thác thêm những thị trường ở các tỉnh thành trong nước mà mình còn bỏ ngõ. Mức giá chúng tôi cung cấp tốt cho tất cả các đơn vị, và kéo dài đến hết năm 2020 chỉ có một mức giá. Hè và lễ Tết chúng tôi không phụ thu, chỉ có sự phân biệt giữa trong tuần và cuối tuần thường rất đông, thành ra chúng tôi khuyến khích khách hàng trải nghiệm các dịch vụ trong tuần".

Tại TPHCM, chương trình kích cầu du lịch cũng được Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thành phố tổ chức rộng rãi, với sự tham gia của đông đảo các đơn vị lữ hành, các điểm tham quan, mua sắm. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho hay, để kích cầu du khách đến với TPHCM, dịp này ngành du lịch thành phố triển khai nhiều gói sản phẩm và dịch vụ khuyến mãi hấp dẫn như: xây dựng 260 chương trình tham quan du lịch TPHCM cũng như liên kết với các tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra, còn có khoảng 200.000 đêm phòng khách sạn, 300.000 vé tham quan, với giá ưu đãi từ 30% -70%. Bên cạnh đó, điểm nhấn của chương trình còn có những gói sản phẩm lần đầu tiên được giới thiệu trong chương trình kích cầu và nhóm các sản phẩm truyền thống được làm mới để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng thị trường nội địa.

Bằng các chương trình này, Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong tháng 6, số lượng du khách đến với TPHCM cũng tăng trưởng trở lại so với trước, đặc biệt, trong những ngày cuối tuần, số lượng phòng ở các khách sạn 3 - 5 sao, tỷ lế lấp đầy cũng lên đến 60 - 70%. Bà Ánh Hoa nói thêm: "Tiêu chí của chương trình không chỉ là kích cầu với giá cả hợp lý mà đầu tiên là phải xây dựng những chương trình tham quan an toàn, đảm bảo công tác phòng. chống dịch trong tình hình hiện nay. Tiếp theo, đảm bảo chất lượng của chương trình để tạo sự thu hút, kích thích nhu cầu đi du lịch từ chất lượng, từ sự hấp dẫn của chương trình chứ không chỉ từ giá cả đầu ra. Tôi hy vọng, chương trình kích cầu du lịch sẽ đạt được hiệu quả, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá tị văn hóa, quảng bá về quê hương đất nước. Người Việt Nam cũng thêm yêu quê hương, đất nước mình thông qua những trải nghiệm về du lịch".

Sau lễ phát động kích cầu trên phạm vị cả nước, các điểm đến nổi tiếng, thu hút đông khách du lịch ở phía Nam như Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Lạt… luôn đầy ắp du khách trong những ngày cuối tuần. Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, ngay trong tháng 6, tình này đã đón gần 105.000 lượt khách, dù chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng tăng gấp đôi so với tháng 5. Đại diện Khu du lịch Thác Datanla (Đà Lạt) cho biết, hiện nay, lượng khách đến với nơi đây cũng chừng khoảng 3.000 - 4.000 lượt trong ngày cuối tuần, so với cùng kỳ năm trước, cũng chỉ bằng 40%. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho thấy, khách du lịch sẽ từng bước quay trở lại với hoạt động du lịch, để trải nghiệm và khám phá các vẻ đẹp của đất nước Việt Nam.

Trước nhu cầu đi lại lớn, nhiều tuyến điểm như Hà Nội - Phú Quốc, TPHCM - Phú Quốc, TPHCM - Côn Đảo các Hãng hàng không cũng tăng cường thêm chuyến, nâng cấp tàu bày để có sức chứa tốt hơn, giúp các doanh nghiệp du lịch khai thác hiệu quả thị trường du khách của mình. Với Phú Quốc, điểm đến hót nhất trong dịp cuối tuần nên Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines cũng tập trung nâng cao tần suất khai thác chuyến với mức giá khuyến mãi dành cho khách đoàn, nhằm kích cầu du lịch nội địa. Riêng với tuyến TPHCM - Côn Đảo, Vasco - thành viên của Vietnam Airlines độc quyền khai thác chặng bay này cho biết, có thời điểm số lượng chuyến bay cũng được tăng cường gấn 5 lần so với ngày thường để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của lượng khách.

Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách thương mại Vietnam Airlines cho biết thêm: "Cũng như các hãng hàng không khác, tích cực hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa để cùng đẩy mạnh phong trào Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm, phối hợp với các công ty du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Bến Thành Tourist để tạo ra một mối quan tâm có lợi nhất cho khách hàng khi đi du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Hàng không Việt Nam cũng sẽ đưa ra những giá vé hấp dẫn để du khách có thể tự mình sắp xếp những chuyến đi mà mình mong muốn".

Có thể thấy, sau phát động phong trào “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chiến dịch kích cầu được phát động ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, mỗi phân khúc trong chuỗi hoạt động của ngành du lịch đều chủ động xây dựng chính sách khuyến mãi riêng để thu hút du khách. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch chỉ ra rằng, bằng hình thức này, gần đây, lượng khách tự xây dựng tour để trải nghiệm cũng ngày một nhiều hơn bằng cách: tự tìm các booking giảm giá, vé các điểm tham quan khuyến mãi, các chuyến bay giá rẻ, các khách sạn ưu đãi kèm các combo thích hợp. Đây là một xu hướng thấy rõ trong tháng 5 và tháng 6 vừa rồi, ngay khi Việt Nam công bố kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị lữ hành cho rằng, để kích cầu bền vững, nhà hàng, khách sạn lẫn các điểm tham quan nên có hướng xây dựng kích cầu cho thực tế, không nên để giám giá vé mà chất lượng dịch vụ cũng đi xuống.

Cần xây dựng chương trình kích cầu bền vững

Du khách tham quan Khu du lịch Thung lũng tình yêu (Đà Lạt).

Ông Trần Văn Tâm, một du khách ở Quy Nhơn cho hay: tháng 6 vừa rồi, ông và gia đình có ghé tham quan Thung lũng tình yêu - một thắng cảnh nổi tiếng ở Đà Lạt. Bản thân ông bất ngờ vì cảnh quan trong khu du lịch xuống cấp nhiều, một số cánh đồng hoa trơ luống đất chưa kịp trồng mới. Dọc hai bên đường vào, số lượng hoa cũng nghèo nàn, xác xơ. Rõ ràng, với khung cảnh này thì du khách ít nhiều sẽ cảm thấy hụt hẫng dù chương trình khuyến mãi có hấp dẫn đến mấy đi chăng nữa.

"Đà Lạt là nơi mà tôi và người thân rất thích bởi khí hậu ở đây mát mát. Lên đây du lịch, tôi dự đoán cuối tuần sẽ rất đông nên cả nhà chọn đi vào ngày đầu tuần. Chính vì vậy, Đà Lạt không đông đúc lắm, chúng tôi cảm thấy dễ chịu, nhưng ở một số điểm tham quan mà gia đình chúng tôi tới trong dịp này khá chán so với những lần trước đây. Nhiều luống hoa đang được đào xới nhưng chưa thấy trồng lại, hoa cũng ít. Thiền viện Trúc lâm cũng vậy. Tôi cũng biết do dịch nên các công ty cũng thiếu người chăm sóc cây hoa, tuy nhiên, nếu mức giá phù hợp, cảnh quan không èo uột thì sẽ tốt hơn, chúng tôi hài lòng hơn", ông Tâm nói thêm.

Tương tự, tại thành phố biển Nha Trang, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng than phiền về chất lượng dịch vụ. Vào mùa cao điểm hè hay lễ tết, các doanh nghiệp rất khó đặt booking theo yêu cầu của khách do các khách sạn ở Nha Trang chủ yếu đón khách Trung Quốc, Nga và ưu ái nhiều hơn cho các Công ty inbound. Tuy nhiên, sau dịch, chiến lược giảm giá để đón khách du lịch trong nước được triển khai, nhiều khách sạn từ 3 - 5 ở đây sao giảm giá phòng từ 50 - 70% hòng kéo được khách du lịch Việt Nam trở lại. Tuy nhiên, nhiều đơn vị lữ hành cho biết, có đến rồi mới thấy, chất lượng kích cầu đi xuống cùng với giá cả. Thế mới có những lời kêu ca, phàn nàn khi khách sạn 3 sao mà điều hòa đặt 18 độ nhưng trong phòng vẫn nóng. Ăn sáng buffet theo chương trình đặt ra nhưng cuối cùng chỉ là chế độ “tô-ly”.

Bà Phan Thị Thu Minh, Phó Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam (VCTC) nói: "Năm nay, vì các đơn vị ra rất nhiều combo ở nên khách sẽ tự book các combo này khá nhiều, nhưng quá trình sử dụng combo đó du khách lại gặp những vấn đề khác, gần như là “treo đầu dê bán thịt chó”’. Hiện tại, nhiều khách sạn ở Nha Trang cũng còn đóng cửa. Một số mở rồi để làm chương trình kích cầu nhưng khi khách đến thì dịch vụ không đạt chất lượng như mong muốn. Vì dụ, do không đủ số người làm buffet sáng nên đổi thành ăn “tô-ly”, trong khi ở chương trình tour chúng tôi đưa cho khách là ăn buffet. Đây chính là điều khiến khách phản anh. Thêm nữa, khi khách không đủ để họ sử dụng tất cả các trang thiết bị cho một khách sạn như đèn chiếu sáng, nhân viên phục vụ… điều đó cũng khiến cho khách có cảm giác ở khách sạn 4 sao nhưng giống không bằng khách sạn 2, 3 sao".

Có thể thấy, nhu cầu đi du lịch của người Việt vẫn rất lớn. Cộng với chính sách kích cầu, giảm giá, khuyến mãi quá ưu đãi được các nhà hàng, khách sạn, các đơn vị lữ hành, các hãng hàng không đưa ra quá hấp dẫn... chính đòn bẩy kích thích nhu cầu trải nghiệm của người Việt Nam. Dù chỉ mới triển khai được một tháng nhưng hiệu quả bước đầu từ chương trình kích cầu đã thấy rõ, dù thị hiếu và nhu cầu của du khách có thay đổi ít nhiều so với trước đây. Điều quan trọng là các dịch vụ liên quan trong chuỗi các hoạt động của ngành du lịch như nhà hàng, khách sạn, các điểm đến thực sự xây dựng chương trình kích cầu, giảm giá đúng như cam kết, không để chất lượng đi xuống, đi ngược lại với ý nghĩa của thông điệp đưa ra. Có như thế, chương trình kích cầu mới bền vững và là động lực để lan tỏa hơn nữa, kích thích nhu cầu trải nghiệm và khám phá của người dân.

Bình luận