Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Để du khách đến một lần là nhớ mãi

VOH - Theo các chuyên gia, cần thay đổi tư duy của các bên liên quan để phát triển sản phẩm phục vụ du lịch theo hướng tự thiết kế, lồng ghép bản sắc văn hóa truyền thống, dân tộc

Theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch TPHCM, trong 9 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố đạt gần 3,6 triệu lượt, khách nội địa 27 triệu lượt, tổng thu ước khoảng 125.000 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022 (9 tháng năm 2022 là 92.376 tỷ đồng), đạt 78,4% kế hoạch năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua - cùng với quá trình hội nhập - sự phát triển mạnh các sản phẩm phục vụ du lịch mới, gồm các sản phẩm cụ thể và các tour tuyến nhằm tạo thêm nhiều lợi nhuận cho ngành Du lịch.

Việc này không chỉ làm gia tăng giá trị thặng dư cho ngành mà còn là một trong những giải pháp quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Để du khách đến một lần là nhớ mãi 1
Du khách tham quan, chụp hình tại khu di tích địa đạo Củ Chi - Ảnh: Đình Sang

Theo nhận định của một số chuyên gia, khi so với Bangkok, Singapore thì TPHCM không thiếu hấp dẫn, nhưng còn mờ nhạt. Cùng với đó sự liên kết để phát triển sản phẩm văn hoá và giải trí là một trong những yêu cầu cần được quan tâm đúng mức.

Sản phẩm phục vụ du lịch đôi khi thiếu tính đặc trưng, không kích thích được du khách mua sắm. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh còn nhiều hạn chế. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán và du lịch còn nhiều bất cập.

Thiếu sự chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau để nắm bắt nhu cầu, sở thích của các khách du lịch; và thiếu cả sự hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề xúc tiến, quảng bá sản phẩm.

Huyện Cần Giờ (TPHCM) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng chưa phát huy hết các tiềm năng. Theo đánh giá của các chuyên gia, rừng và biển là tài nguyên quý giá, cộng với quỹ đất lớn là những thế mạnh để Cần Giờ phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Nhưng nhìn chung hạ tầng dịch vụ du lịch Cần Giờ còn yếu, sản phẩm du lịch thiếu phong phú…

Hiện tại dù đã có đầu tư nhưng du khách đền đây vẫn chỉ quanh quẩn ăn hải sản, ngắm rừng, ngắm biển mà chưa thật sự có một sản phẩm độc đáo để khách du lịch một lần đền là không thể quên.

Ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch nói, "Du lịch nông nghiệp rất đa dạng, có thể tổ chức các sản phẩm du lịch, tham quan trong một buổi, như tham quan mô hình trồng cây, nông sản.

Thậm chí tổ chức cho các cháu, các em học sinh tham quan, học tập ngắn ngày về thực vật. Tôi thấy tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp ở các huyện ngoại thành TPHCM là rất lớn, nhất là Cần Giờ".

Tại trung tâm TPHCM, nơi hàng quán tấp nập, người mua bán vô cùng tấp nập song du khách đến đây vẫn chủ yếu ăn uống là chính. Theo đại diện Sở Du lịch, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch đã hoạt động “tăng tốc lực” để cùng TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy thế mạnh của từng địa phương.

Chẳng hạn, phối hợp với quận 1 giới thiệu sản phẩm “Hành trình đến các di tích lịch sử văn hóa”; công bố các điểm đến du lịch đặc trưng quận 7; giới thiệu “Quận 8 - Vùng đất của những câu chuyện”; hỗ trợ quận 10 công bố 2 sản phẩm du lịch đặc trưng “Nghe kể chuyện đông y”, “Lịch sử ghi dấu”; giới thiệu “Sắc màu du lịch quận Bình Tân”… Riêng tại huyện Cần Giờ, nổi bật với sản phẩm du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An).

Đây là sản phẩm du lịch được đánh giá là sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa đầu tiên của TPHCM. Nỗ lực này đã và đang được “đền đáp xứng đáng” khi số lượng khách đến huyện Cần Giờ tăng mạnh từ 20-30% so với trước đây.

Điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 dịch vụ phục vụ du khách, với các sản phẩm mang đặc trưng hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển.

Sự cần thiết xác định biểu tượng du lịch và quà lưu niệm tại các điểm đến ở địa phương, cũng như tầm quốc gia sẽ hỗ trợ cho ngành Du lịch thu hút thêm khách du lịch trong và ngoài nước, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước. 

Để làm được điều này, theo các chuyên gia, cần thay đổi tư duy của các bên liên quan để phát triển sản phẩm phục vụ du lịch theo hướng khuyến khích các sản phẩm tự thiết kế, lồng ghép bản sắc văn hóa truyền thống, dân tộc; đa dạng mẫu mã, chất liệu sản phẩm...