Giáo sư sử học - tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần đã dành cho phóng viên VOH cuộc phỏng vấn về vấn đề này.
*VOH: Thưa giáo sư, vấn đề khai thác những giá trị lịch sử văn hóa vào phát triển du lịch đang được TPHCM rất quan tâm, nhất là gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng quận huyện. Theo đánh giá của giáo sư, thành phố đã tận dụng tốt những lợi thế về mặt lịch sử văn hóa xã hội trong phát triển các sản phẩm du lịch ?
Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần: Chính quyền và lãnh đạo của Thành phố rất nhiều cố gắng trong việc khai thác những tiềm năng về văn hóa và lịch sử để phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là bước khởi đầu, là những thành công chưa bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực văn hóa và lịch sử thành phố. TPHCM có rất nhiều nội dung cần phải khai thác.
Khai thác tiềm năng thiên nhiên ban tặng, biến tiềm năng đó thành những tour du lịch đặc biệt. Hiếm thành phố nào vừa có du lịch về dã ngoại, du lịch về sông nước, du lịch về di tích lịch sử văn hóa, cả những tour du lịch về tham quan thành phố....như TPHCM. Ta có những tiềm năng rất rõ rệt, cần chú ý khai thác sớm.
Ví dụ như kênh Nhiêu Lộc, không phải chỉ là một con kênh, mà còn là một nơi để người ta đi tham quan, tuy hiện nay vẫn còn gặp khó, vậy thì chúng ta lại phải tìm cách khắc phục để biến du lịch đường sông trở thành một điểm du lịch mang tính đặc trưng của TPHCM.
Thành phố chúng ta có rất nhiều cơ sở văn hóa, những nhà chùa, những nhà thờ, đền miếu…..Riêng chùa, có khoảng trên 1.000 ngôi chùa. Chùa ở Việt Nam không chỉ có trường phái đại thừa, tiểu thừa, mà còn có các hình thái chùa chiền khác. Chỉ cần khai thác chừng đó không thôi cũng đã đủ để khiến cho những chuyến đi du lịch hấp dẫn hơn. Ngoài chùa chiền, còn có đền miếu, có đình. TPHCM có đến 52 cái đình, có những đình còn giữ được cấu trúc rất cổ xưa, có nhiều giá trị tâm linh đã được tích lũy trong các giai đoạn lịch sử.
Ngoài ra, còn có những nơi rất hấp dẫn, ví dụ như lên Củ Chi thăm địa đạo, xuống Cần Giờ xem căn cứ ngày xưa. Từ TPHCM có thể thực hiện chuyến du ngoạn không chỉ ở dọc một đoạn sông Sài Gòn mà còn xuống Nhà Bè, Cần Giờ, lên Củ Chi và lên tận Tây Ninh. Tiềm năng thì nhiều, vấn đề là khai thác hiệu quả.
Có những công trình văn hóa mà chúng ta vừa xây dựng, phản ánh đặc trưng riêng của thành phố, như những nhà cao tầng, những công trình kiến trúc độc đáo… tất cả tạo thành sự thu hút mạnh mẽ đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài. Ngành du lịch có nói rằng, biến TPHCM thành điểm đến hấp dẫn. Tôi thấy nói như vậy đúng nhưng chưa đủ. Vấn đề là họ đến họ có lưu trú ở lại hay không, họ ở lại bao lâu, và bao nhiêu lần họ trở lại lại là chuyện khác.
*VOH: Theo đánh giá của giáo sư, thành phố có những ưu điểm gì trong việc tổ chức hoạt động du lịch?
Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần: Thứ nhất là về lưu trú, hệ thống khách sạn của chúng ta rất phong phú và chất lượng cao. Khách sạn Việt Nam phục vụ tận tình và đa dạng nhất, không giống như khách sạn một số nước. Tôi sang bên Mỹ, sang nhiều nước phương Tây, khách sạn của họ tuy có sang, có đẹp nhưng những cái thuộc về cá nhân như kem đánh răng, khăn rửa mặt, dao cạo râu và nhiều thứ khác…họ đều không có trang bị như ở khách sạn của ta.
Cái mạnh thứ hai về du lịch của chúng ta là văn hóa ẩm thực rất phong phú, điểm này rất hấp dẫn du khách. Tôi rất thích câu nói của giáo sư Philip Kotler, “cha đẻ” của học thuyết marketing hiện đại: “phải biến Việt Nam thành nhà bếp của thế giới. Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, nếu Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam phải là nhà bếp của thế giới”. Đây là trách nhiệm của những người làm công tác ẩm thực.
Thứ ba, TPHCM có thể tổ chức được nhiều loại hình tour khác nhau. Có citytour và cũng có những tour bắt đầu từ TPHCM đến với nhiều điểm khác, vì thành phố là trung tâm giao thông lớn của cả nước. Đường bộ, đường hàng không đều là đầu mối quan trọng, và đặc biệt là đường thủy là rất tốt. Vậy nên chúng ta cần phát huy hết những ưu thế để thu hút thế giới đến với chúng ta.
*VOH: Giáo sư có lưu ý gì để phát huy được những thế mạnh vốn có trong phát triển du lịch?
Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần: Một là phải nâng cao hoạt động về quản trị du lịch của Sở Du lịch. Thứ hai là tìm mọi cách phát huy tiềm lực của các cá nhân, thành lập các công ty tư nhân.
Vấn đề ở chỗ, họ hoạt động phải đúng luật, thực sự làm làm tốt đẹp thêm đặc tính xã hội giàu nhân ái, nhân văn của thành phố, đồng thời phải làm sao để người ta thấy nét đặc trưng của văn hóa du lịch riêng cho TPHCM. Tư nhân nhưng phải liên kết, liên kết nhưng phải tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Liên kết để từ đó làm cho người Việt của chúng ta có hoạt động du lịch hiệu quả hơn, tốt đẹp hơn.
*VOH: Xin cám ơn Giáo sư