Bà Vũ Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản - VJSC cũng cho hay, đơn vị đang kỳ vọng thời gian gần nhất có thể tái khởi động các chuyến bay charter đến Fukushima là vào dịp 30/4 và 1/5/2022.
“Đầu năm 2022, Nhật Bản dự kiến sẽ thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo dạng du lịch MICE qua hình thức chỉ định một số công ty nhất định, tuy nhiên, mọi kế hoạch phải dừng lại khi biến thể mới của virus SAR-COV-2 là Omicron xuất hiện trên thế giới”. Đây là chia sẻ của ông Yoshida Kenji - Trưởng Đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo trực tuyến có chủ đề “Chia sẻ cách làm sản phẩm tour charter từ những thành công của chuỗi charter Fukushima”.
Sự kiện diễn ra hôm 16/12 với sự tham dự của 40 doanh nghiệp lữ hành và một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam.
Cũng theo ông Yoshida Kenji, hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang tập trung xem xét độ nguy hiểm của biến thể mới này để có sự đánh giá cụ thể mới có thể tiếp tục dự định mở cửa trở lại.
Tour charter là một tour du lịch sử dụng những chuyến bay thuê bao (charter flight) phục vụ riêng cho một đoàn khách du lịch do một hoặc một nhóm đơn vị lữ hành đứng ra tổ chức. Tour charter thường đi theo một hành trình bay riêng và hoàn toàn tách rời với các chuyến bay thường lệ của các hãng hàng không đang khai thác, nó có thể diễn ra một lần (single charter) đối với những charter 2 chiều (two ways charter), hoặc cũng có thể có những chuyến charter lập lại trong một khoản thời gian nhất định (series charter) với quãng thời gian được ấn định từ 1,2 hoặc 3 tháng nhưng không được kéo dài vô tận như các chuyến bay định kỳ.
Theo bà Vũ Minh Châu, Giám đốc VJSC - đơn vị có 10 năm kinh nghiệm khai thác tour charter Việt Nam - Nhật Bản: trên thực tế, hiện nay, các chuyến charter ở nước ta chưa thực sự bắt nguồn từ bản chất của sản phẩm tour này mà chỉ lợi dụng sản phẩm tour charter từ nước ngoài vào Việt Nam và sử dụng chiều trống chỗ của họ để khai thác. Với sức hút giá rẻ nên các công ty chưa thực sự chú trọng khai thác thế mạnh và sự hấp dẫn của các tour charter.
Bên cạnh những ưu điểm, đối với các công ty lữ hành khi tổ chức tour charter có thể sẽ đối mặt với một số khó khăn và rủi ro như: không gom được lượng khách đủ lớn trong một khoảng thời gian hạn chế, cần có năng lực về tài chính và đề phòng rủi ro nếu hãng hàng không hủy chuyến.
Theo thống kê, lượng tour thuê bao charter giữa Việt Nam - Fukushima (Nhật Bản) liên tục tăng, từ 13 chuyến với 1600 khách vào năm 2016, lên 30 chuyến với 4.300 khách vào năm 2017 và 45 chuyến với gần 7.500 khách trong năm 2018.
Từ sau trận động đất và sóng thần xảy ra cách đây 10 năm (tháng 3/2011), để thu hút các chuyến bay quốc tế đến Fukushima, chính quyền tỉnh này đã dành nhiều chế độ hỗ trợ cho cả chuyến bay charter lẫn các chuyến bay thường lệ bao gồm giảm chi phí cất - hạ cánh và chi phí dừng, đỗ; miễn hoàn toàn hoặc một phần cho các chuyến bay charter đến, các dịch vụ mặt đất… Ngoài ra, Fukushima còn miễn phí cấp visa cho du khách trên các chuyến bay charter, hỗ trợ thiết lập quầy hỗ trợ khách hàng bằng tiếng Việt tại sân bay…Điều đó giúp du khách cảm thấy sự gần gũi và khẳng định tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam. Thời gian gần nhất có thể tái khởi động các chuyến bay charter đến Fukushima là vào dịp 30/4 và 1/5/2022.