Chờ...

10 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima: Vẫn là bài toán khó cho Nhật Bản

(VOH) - Vào ngày định mệnh 11/3/2011, thảm họa kép chấn động thế giới gồm động đất và sóng thần đã phá hủy nhiều thành phố và gây ra sự cố hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản.

Từ đó đến nay đã 10 năm, cả thế giới vẫn luôn dõi theo nước Nhật trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất toàn cầu kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.

Trận động đất cực mạnh lên đến 9.0 độ Richter kéo theo sóng thần sau đó đã tấn công trực diện vào dải bờ biển phía đông bắc Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người và phá hủy nhà máy điện hạt nhân Dai-ichi tại Fukushima. Sau sự cố, hơn 160.000 người dân đã phải sơ tán khẩn cấp vì lượng phóng xạ tăng đột biến trong khu vực.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Naoto Kan đã phải e ngại rằng không chỉ khu vực Fukushima mà cả thủ đô Tokyo hoặc thậm chí nhiều tỉnh thành khác cũng cần phải di tản.

10 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima: Vẫn là bài toán khó cho Nhật Bản
Thảm họa kép động đất và sóng thần năm 20211 đã ảnh hưởng phần lớn diện tích phía đông bắc Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia
10 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima: Vẫn là bài toán khó cho Nhật Bản
Cơn sóng thần theo sau trận động đất 9.0 độ Richter đã đánh sập thành phố Miyako ở vùng Iwate, Nhật Bản ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Kiyoshi Kurokawa - cựu Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhật Bản, giáo sư danh dự Đại học Y Tokyo và là người đứng đầu Ủy ban điều tra nguyên nhân thảm họa hạt nhân Fukushima nhận định: “Fukushima là dấu ấn cho phần còn lại của lịch sử ngành năng lượng hạt nhân. Ông cũng đưa ra kết luận nguyên nhân của thảm họa “chính là do con người gây ra”.

Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 300 triệu USD (32,1 ngàn tỷ yên) để xây dựng lại vùng đất bị sóng thần tàn phá là Tohoku, tuy nhiên những khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima vẫn được niêm phong cấm người không phận sự ra vào. Điều này làm dấy lên lo lắng liệu mức độ phóng xạ vẫn còn tồn tại hay không. Không chỉ vậy, việc dỡ bỏ hoàn toàn nhà máy này được cho là mất thời gian đến vài thập kỷ và chi phí tốn kém đến hàng tỷ USD.

10 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima: Vẫn là bài toán khó cho Nhật Bản
Một nhân viên trang bị đầy đủ đồ bảo hộ tại khu vực lò phản ứng số 3 của nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi ngày 10/2/2016. Ảnh: Reuters

Cho đến nay, Nhật Bản đang một lần nữa đánh giá lại về vai trò của năng lượng hạt nhân trong chuỗi các nguồn năng lượng mà quốc gia này đang sử dụng. Nhật Bản vốn là một đất nước nghèo tài nguyên và đặt mục tiêu cắt giảm khí thải carbon xuống mức trung bình vào năm 2050 để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, đài truyền hình quốc gia NHK trong một cuộc khảo sát công khai đã chỉ ra rằng có đến 85% dân số nước này lo ngại về các sự cố và tai nạn liên quan đến năng lượng hạt nhân.

Mặc dù vậy, sau đó chính sách về cải tổ ngành năng lượng của Nhật Bản đã dần bị “lãng quên” sau khi ông Shinzo Abe của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) quay trở lại với cương vị Thủ tướng Nhật Bản. Điều đáng chú ý là đảng LDP của ông Abe lại là đảng nghiêng về phát triển năng lượng hạt nhân, trái ngược với đảng Dân chủ của đời Thủ tướng trước là ông Naoto Kan, vốn đã từ chức vì làn sóng chỉ trích đối với cách xử lý của Chính phủ sau thảm họa.

“Hệ quả tất yếu từ sai sót của các bên”

Năm 2012, Ủy ban điều tra nguyên nhân thảm họa hạt nhân Fukushima của ông Kurokawa đã kết luận rằng thảm họa “là hệ quả từ sai sót của các bên bao giữa chính phủ, các nhà quản lý năng lượng hạt nhân, mà cụ thể là Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân - NISA và Ủy ban An toàn hạt nhân - NSC, và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO).

Theo đó, các cơ quan này đã biết rõ từ năm 2006 là lò phản ứng Fukushima số 1 không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới, rằng lõi của các lò phản ứng có thể bị tác động nếu xảy ra sóng thần cao hơn mặt bằng của lò phản ứng. Nó có thể làm mất điện - điều quả thật đã xảy ra - đặt cả nước vào nguy cơ nổ lò hạt nhân. Biết rõ điều đó nhưng NISA đã không kiểm tra xem trạm điện đã có thay đổi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hay chưa, trong khi TEPCO không làm gì để giảm nhẹ thảm họa.

Báo cáo còn khẳng định: "Nếu TEPCO chịu hiện đại hóa trạm điện theo quy chuẩn Mỹ, được đưa ra sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9, thì thảm họa hoàn toàn có thể ngăn chặn được". Ủy ban độc lập còn chỉ ra xung đột lợi ích giữa các chủ thể điều hành các hoạt động hạt nhân, như NISA được thành lập như một thành phần của Bộ Kinh tế, thương nghiệp và công nghiệp (METI), tức chính cơ quan đang tích cực thúc đẩy phát triển điện hạt nhân trong nước.

Báo cáo cho biết TEPCO đã "quá vội vàng khi quy kết sóng thần là nguyên nhân gây ra sự cố tại 3 trong 6 lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, bị nóng lên do hỏng hệ thống làm lạnh vì mất điện". Trong khi TEPCO khẳng định nhà máy đã vượt qua được trận động đất, và thủ phạm là trận sóng thần thì báo cáo của Tiến sĩ Kurokawa lại cho rằng lò phản ứng số 1 đã bị hư hại ngay từ trận động đất, và nhiều khả năng các đường ống đã bị nổ do chấn động, dẫn tới việc mất các nhân tố làm lạnh ngay trước khi sóng thần đánh vào 30 phút sau đó.

10 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima: Vẫn là bài toán khó cho Nhật Bản
Bên ngoài một nhà thờ ở Tomioka, vùng Fukushima sau thảm họa kép ngày 11/3/2011. Đây hiện vẫn là khu vực cấm sau sự cố hạt nhân cách đây 10 năm. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe đã từ chức vì lý do sức khỏe, và người kế nhiệm cùng đảng LDP với ông là đương kim Thủ tướng Yoshihide Suga cũng đã công bố mục tiêu cân bằng mức khí thải carbon ròng vào năm 2050.

Những người ủng hộ mục tiêu này cho rằng, năng lượng hạt nhân là điều cần thiết cho quá trình khử và kéo giảm mức carbon. Trong khi đó, các nhà phê bình thì cho rằng chi phí, sự an toàn và những thách thức trong việc chứa các chất thải từ hạt nhân mới là tất cả nguyên nhân để tránh việc gỡ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân.  

Hiện nay tại Nhật Bản, các cuộc biểu tình chống lại việc sử dụng năng lượng hạt nhân sau thảm họa ngày 11/3/2011 đã dừng lại, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là sự ngờ vực và lo lắng trong công chúng không còn nữa.

Kết quả khảo sát công bố trên tờ Asahi tháng 2/2021 cho thấy, 53% dân số toàn nước Nhật phản đối việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân và số người ủng hộ việc này chỉ chiếm 32%. Tại ngay Fukushima nơi xảy ra thảm họa, chỉ có 16% người dân ủng hộ việc kích hoạt lại nguồn năng lượng này.

10 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima: Vẫn là bài toán khó cho Nhật Bản
Những bể chứa nước nhiễm xạ từ thảm họa sóng thần năm 2011 thuộc quản lý của TEPCO ở Fukushima sẽ đầy vào năm 2022. Xử lý số nước này một cách an toàn vẫn là thách thức to lớn đối với Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Tương lai của năng lượng hạt nhân: Bài toán khó cho Nhật Bản

Thực tế cho thấy, chỉ có 9 trong số 33 lò phản ứng hạt nhân được cấp phép khởi động lại sau sự cố tại Fukushima, và chỉ có 4 lò trong số này hiện còn đang hoạt động. So với trước khi thảm họa xảy ra, con số này lên đến 54.

Năng lượng hạt nhân chỉ đáp ứng khoảng 6% nhu cầu năng lượng của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2020, so với mức gần 70% đến từ các nguồn năng lượng hóa thạch và 23,1% đến từ các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Ông Takeo Kikkawa, cố vấn của chính phủ Nhật Bản về chính sách năng lượng, cho biết nếu kéo dài tuổi thọ của 33 lò phản ứng hạt nhân hiện tại ở nước này lên 60 năm, thì đến năm 2050 cả nước Nhật chỉ còn 18 lò hoạt động và năm 2069 sẽ không còn một lò nào. Không chỉ vậy, các hoạt động thúc đẩy kinh doanh và phát triển kinh tế từ năng lượng hạt nhân hiện cũng ngày càng ít đi.

“Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên, vì vậy chúng ta không nên từ bỏ năng lượng hạt nhân mà không suy xét cẩn thận. Tuy nhiên thực tế là tương lai của ngành năng lượng này có lẽ sẽ thật sự ảm đạm”, ông Kikkawa nhận định.