Có thể thấy, đợt tăng giá lần này khiến mặt hàng xăng dầu trong nước đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Từ chi phí nhiên liệu đầu vào, các mặt hàng khác trên thị trường cũng thiết lập mặt bằng giá mới.
Đối với lĩnh vực du lịch, xăng dầu tăng cũng kéo theo chi phí của các dịch vụ khác tăng theo, có nguy cơ làm suy yếu sự phục hồi của ngành vốn có chút động lực khi Chính phủ có chính sách nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, nơi tập hợp của khoảng 8200 hội viên (gồm 200 hội viên chính thức và 8000 hội viên online) cho biết, 2 năm qua, để kích cầu thị trường, các doanh nghiệp hội viên đã tính toán, cắt giảm lãi nhằm tạo ra chính sách giá tour tốt nhất để duy trì hoạt động, tuy nhiên với đà tăng giá lần này, giá tour sẽ lên đôi chút, vấn đề chỉ là thời gian:
“Thời điểm này cũng có một số dịch vụ đã được điều chỉnh nhưng một số vẫn áp được mức giá cũ nên các doanh nghiệp lữ hành vẫn tạm thời cân đối được, chỉ lên giá trong thời điểm thích hợp.
Hiện tại, các đơn vị như lữ hành, du lịch, hàng không, thường có chương trình hỗ trợ khách hàng để phục hồi thị trường bằng cách ra những combo du lịch khuyến mại, giảm một phần lãi để giúp du khách lựa chọn thời điểm đi du lịch phù hợp mà vẫn không ảnh hưởng đến tài chính nhiều”, ông Phạm Hải Quỳnh cho biết.
Đối với các hành trình xa, đi lại bằng đường hàng không, chi phí vận chuyển nhiều khi lên tới 40 thậm chí là 50% tổng giá tour, chính vì thế việc tăng giá tour sẽ là điều không tránh khỏi.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng nhận định, với đà tăng giá này, hầu bao của nhiều người đều vơi đi, thu nhập khả dụng cũng giảm xuống nên việc chi tiêu cho các hoạt động không thiết yếu như du lịch, giải trí… sẽ bị tiết giảm.
Do đó, du khách cũng sẽ hạn chế các kế hoạch cho những chuyến trải nghiệm chưa thật sự cần thiết. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, đại diện Hãng Hàng không Lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines mong muốn Chính phủ có những chính sách giảm thêm thuế, phí cho nhiên liệu bay để hỗ trợ giá vé cho hàng không và hành khách.
“Về cung ứng xăng dầu, Chính phủ có thể ưu tiên chính sách cung cấp chi phí phù hợp cho tất cả hãng hàng không. Đây cũng là một giải pháp tốt để phục hồi vận chuyển. Hiện nay, khách mua vé, ngoài chi phí giá vé còn có phụ thu xăng dầu, thuế sân bay….Nếu giảm thêm thuế phí nhiên liệu thì cũng góp phần giảm tổng giá vé mà thực tế hành khách phải trả rất nhiều”, bà Ngọc nói.
Tương tự, qua ghi nhận ý kiến từ các hãng hàng không khác cũng cho thấy, chi phí đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng trong thời gian tới vì các doanh nghiệp đều đang đối mặt với chi phí tăng cao.
Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways Trương Phương Thành chia sẻ tại một buổi tọa đàm về thu hút khách quốc tế đến TPHCM trong đầu tháng 3 vừa rồi cũng xác nhận rằng, chính sách giảm giá để kích cầu du lịch của các hãng hàng không đều đã chạm đáy, nếu cứ tiếp tục giảm giá thì các hãng hàng không đều không "sống nổi".
“Ngành du lịch có thể giúp các hãng hàng không bằng cách kiến nghị lên Bộ Tài chính vì đây là đơn vị kiến nghị lên Chính phủ ban hành ra các chính sách kịp thời.
Phải có chính sách giảm giá ở mức độ nào đó, trong thời gian cụ thể nào đó để chúng tôi cảm thấy bớt gánh nặng và áp lực thuế, phí. Chứ như hiện nay, các dịch vụ mặt đất giá rất cao vô tình đẩy giá vé của khách hàng tăng lên.”, ông Thành chia sẻ
Thực trạng giá xăng dầu tăng lên khiến cho thị trường đang thiết lập mặt bằng giá mới. Nhiều cá nhân, gia đình cũng phải đối mặt với chi phí sinh hoạt leo thang. Các hãng hàng không, du lịch cũng gặp các thách thức và khó khăn tương tự.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho rằng, để tiết kiệm chi phí cho chuyến đi mà vẫn có được những trải nghiệm tốt nhất cho mỗi người, mỗi gia đình, du khách nên lên kế hoạch cho chuyến đi từ sớm để tránh các phát sinh về chi phí.
“Giá vé máy bay hoặc những dịch vụ gì mình đặt trước, có kế hoạch trước đều có nhiều lợi thế hơn. Trong các chương trình hỗ trợ khuyến mại, kích cầu nội địa mà các đơn vị du lịch - lữ hành triển khai sẽ cho du khách nhiều lựa chọn tốt hơn, đa dạng hơn và dịch vụ đặt được với giá rẻ hơn.
Ví dụ, nếu khách hàng có nhu cầu về một chuyến đi du lịch trong mùa hè này chẳng hạn thì bây giờ là lúc nên đặt tour là phù hợp. Lựa chọn book dài thời gian cũng là hình thức hấp dẫn để có một hành trình trải nghiệm tuyệt vời nhưng giá vẫn rẻ”, ông Phạm Hải Quỳnh nói.
Ngày 13/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó, đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut… là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 700 đồng/lít, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12 năm nay.
Người dân và doanh nghiệp chưa kịp vui mừng đón nhận trước thông tin tích cực này thì giá cả của nhiều loại hàng hóa, bao gồm cả nhu yếu phẩm đã bật tăng sốc trong mấy ngày qua khiến nhiều gia đình phải thực sự hết sức đắn đo, tính toán cho các khoản chi tiêu của mình.
Rõ ràng, ưu tiên trước mắt của phần lớn gia đình vẫn là trang trải mức sống cơ bản, còn chuyện du lịch, giải trí chưa thực sự thiết yếu nên sẽ được cân nhắc, bàn tính sau.
Trong bối cảnh đó, những nỗ lực phục hồi của ngành công nghiệp "không khói" vừa mới manh nha hình thành đã thực sự gặp thách thức và khó khăn không nhỏ với những tác động từ giá nhiên liệu đầu vào. Điều này một lần nữa làm cản trở đà hồi phục của ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.