Du lịch Tết “đại thắng” và thước đo sự phục hồi của ngành du lịch

(VOH) - Sau 2 năm lao đao vì dịch Covid-19, ngành du lịch nước ta đã dần lấy lại động lực để trở lại với nhịp độ hoạt động trước đây.

Con số khoảng 6,1 triệu khách du lịch nội địa du xuân trong 9 ngày nghỉ Tết âm lịch (từ ngày 29/01/2022 - 06/02/2022), với tổng doanh thu đem lại của toàn ngành là 25.000 tỷ đồng. Đây được xem là bước "chạy đà" hoàn hảo của ngành công nghiệp không khói, là tín hiệu tích cực cho thấy nhiều doanh nghiệp lữ hành có thể gượng dậy sau thời gian tê liệt vì đại dịch SAR CoV-2.

Tuy nhiên, du lịch Tết “đại thắng”có thể xem là chỉ số để đo sự phục hồi của ngành du lịch hay không vẫn rất khó nói.

Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch, trong số các điểm đến của dịp Tết Nhâm Dần năm nay, một số điểm đến ở khu vực phía Nam như Đà Lạt (Lâm Đồng), Tây Ninh, An Giang, có lượng khách tăng đột biến.

Cụ thể, Tây Ninh đón khoảng 595.000 lượt khách, công suất phòng lưu trú đạt khoảng 65%. Bà Rịa Vũng Tàu đón khoảng 420.000 lượt khách; công suất ở các khách sạn 3-5 sao đạt 97%. Lâm Đồng cũng đón gần 300.000 lượt khách, công suất cơ sở lưu trú du lịch đạt trên 95%; trong khi đó, Quảng Ninh - 290.000 khách; công suất khách sạn đạt 80-90%…

TPHCM đón khoảng 300.000 lượt khách với tổng thu đạt 3.100 tỷ.

“Nóng” nhất trong số các điểm đến trong mùa du lịch Tết vừa qua chính là An Giang. Ông Đào Sĩ Tuấn, PGĐ Sở VHTT&DL tỉnh An Giang cho hay: "Trong 9 ngày Tết, An Giang đón khoảng 740.000 lượt khách, tăng 80% so với cùng kỳ nhưng công suất phòng không cao vì chủ yếu là du lịch nội địa, khách đi ngắn ngày bằng phương tiện cá nhân. Hơn nữa, chủ yếu là khách ở các tỉnh lân cận thôi. Đáng mừng là khách bây giờ đã quay trở lại."

Du lịch Tết “đại thắng” và thước đo sự phục hồi của ngành du lịch 1
Du khách tham quan, trải nghiệm tại quần thể Vin Wonder Phú Quốc - Ảnh Tư liệu

Tại Nha Trang (Khánh Hòa), dù chưa đạt được dấu mốc như trước dịch, song, lượng du khách đến với Thành phố biển này cũng phục hồi đáng kể.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, kết thúc 9 ngày nghỉ Tết nguyên đán, địa phương này đón gần 100.000 lượt khách, công suất phòng khách sạn đạt 72-80%, tổng doanh thu hơn 520 tỷ đồng.

Theo bà Thanh, lượng khách và doanh thu đạt cao do tỉnh đã tổ chức tốt việc đón khách thích ứng, an toàn với dịch bệnh Covid-19. Thêm vào đó, từ trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Khánh Hoà đã công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn là cấp độ 1, bình thường mới, tương ứng với vùng xanh đã tạo tâm lý yên tâm cho du khách. Đây là cơ hội để các điểm du lịch tại Khánh Hoà thu hút khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán.

Có thể thấy, hầu hết các điểm du lịch nóng từ Bắc vào Nam, du khách đến tham quan, trải nghiệm trong dịp Tết đều tăng đáng kể. Đặc biệt, với những địa điểm có sự đầu tư khép kín bằng hệ sinh thái như lưu trú – nghỉ dưỡng, vui chơi, ăn uống, trải nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Du lịch Tết “đại thắng” và thước đo sự phục hồi của ngành du lịch 2
Cáp treo tại KDL Quốc gia Núi Bà Đen mỗi ngày phục vụ trung bình gần 50.000 lượt khách

Dù lượng khách đã quay trở lại nhưng các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, lượng khách mua tour trong dịp Tết rất ít, không như kỳ vọng. Phần vì tâm lý ngại đi theo đoàn khách đông dễ lây lan dịch, phần vì giá tour cao nên du khách chọn du lịch tự túc hoặc mua dịch vụ khá cao.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Khối Truyền thông - Marketing và Công nghệ thông tin, Công ty TST Tourist phân tích, việc đi tour tự túc mà chưa có sự chuẩn bị về nơi lưu trú, ăn uống dễ dẫn đến quá tải ở các địa phương như Đà Lạt, Bà Rịa Vũng Tàu vừa qua vì nhiều nơi công suất hoạt động của các dịch vụ chưa đạt được 100% như trước dịch, điều đó làm cho chuyến đi không trọn vẹn : "Giai đoạn Tết vừa qua, các công ty du lịch đã có sự chuẩn bị tốt về sản phẩm, chọn những điểm đến an toàn nhưng số lượng khách đi với các doanh nghiệp chưa cao mà chủ yếu là đi tự túc.

Có thể du khách yêu thích sự tự do, thoải mái trên hành trình nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, điển hình như có sự tăng giá hoặc thiếu dịch vụ khi chúng ta đến tận nơi. Thực trạng này đã thấy rõ trong dịp Tết nguyên đán. Thời điểm của mùa hè sắp tới, thiết nghĩ du khách nên chọn các sản phẩm tour phù hợp với nhu cầu của mình".

Bên cạnh sự hồi sinh của bức tranh du lịch nội địa, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng màu sắc tươi sáng cũng diễn ra với hoạt động du lịch quốc tế (kể cả inbound lẫn outbound), vì đây thực sự là mảng đóng góp nguồn thu lớn cho toàn ngành.

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ ở quận Tân Bình cho rằng, hiện nay, việc đưa khách quốc tế vào Việt Nam hoặc đưa khách Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn nhiều rào cản về phía chính sách từ hai phía : "Chúng tôi có chuẩn bị một số chương trình để bán nhưng cũng chờ thực tế, như ngày 15/2 này đã bắt đầu nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế, nhưng ăn thua là du khách quốc tế khi vào Việt Nam phải không cách ly họ mới đi. Vì vậy, chúng tôi vừa làm vừa thăm dò.

Tour Campuchia chúng tôi có đăng lên bán nhưng vào nước họ thì phí test PCR tới hơn 100USD, cao quá nên chúng tôi phải ngưng nhận khách. Singapore, Úc, Nhật, Hàn Quốc vẫn khó".

Đánh giá sự phục hồi của các doanh nghiệp du lịch, theo các chuyên gia, phải dựa vào tín hiệu của thị trường và khả năng cung ứng của các dịch vụ trong ngành.

Ông Đặng Mạnh Phước, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành The Outbox Company, đơn vị chuyên phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường du lịch cho rằng, việc tăng trưởng du khách trong dịp Tết vừa qua có yếu tố tích cực từ chính sách chống dịch thông thoáng ở các địa phương, dù rằng du khách vẫn chủ yếu chọn các hành trình gần, qua đó cũng cho thấy, mức độ sẵn sàng đi du lịch của người dân rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Phước, vẫn quá sớm để lạc quan về sự phục hồi của ngành du lịch khi mà nhiều đơn vị lữ hành, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc top vừa và nhỏ chưa quay lại thị trường: "Chúng ta chưa đủ dữ liệu và Tết vẫn là một dịp đặc biệt, thời gian diễn ra khá ngắn nên chưa đủ cơ sở để lạc quan thái quá về thị trường mà cần phải có những bước đi mang tính chiến lược, thận trọng và dài lâu.

Tuy nhiên, về bức tranh trung và dài hạn, từ những dữ liệu có được, có thể dự báo rằng, giai đoạn tới, thị trường du lịch nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, đặc biệt là từ tháng 3 - tháng 6, dịp 30/4 và 1/5. Đây là giai đoạn phục hồi cao cho du lịch nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến xấu đi và không có những chính sách bất ngờ nào khác. Lúc đó mới đủ cơ sở để lạc quan về thị trường du lịch nội địa tăng trưởng trở lại trong những tháng tiếp theo".

Sau giai đoạn “tạm ngủ đông” vì COVID-19, du lịch nội địa đã dần hồi sinh, khởi sắc khi liên tiếp đón dòng khách lớn ngay trong những ngày đầu năm Nhâm Dần.

Nhìn trên diện rộng hơn, đây cũng là chỉ dấu quan trọng để thấy mức độ sẵn sàng đi du lịch của người dân rất cao, là tín hiệu tích cực để ngành công nghiệp 'không khói" của cả nước có thể kỳ vọng, chuẩn bị cho những bước đi cẩn thận và chắc chắn hơn trong thời gian tới.