Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Du lịch TPHCM thích ứng an toàn : Chủ động kết nối, mở ra cơ hội

(VOH) - Thời gian gần đây, Thành phố đã chủ động đến các tỉnh thành trên cả nước để ký kết hợp tác phát triển du lịch.

Dù có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, nhiều điểm tham quan, trung tâm mua sắm, các khách sạn cao cấp và có lượng khách dồi dào, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa dịch vụ và cần phải có sự kết hợp với nhiều tỉnh thành trên cả nước để tạo ra những sản phẩm, những tour tuyến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Từ quan niệm đó, thời gian gần đây Thành phố đã chủ động đến các tỉnh thành trên cả nước để ký kết hợp tác phát triển du lịch. Đặc biệt ngay sau khi bước sang giai đoạn bình thường mới sau làn sóng Covid 19 lần 4, một lần nữa lãnh đạo thành phố cùng ngành du lịch đã trực tiếp đến nhiều tỉnh thành trên cả nước để tái khởi động lại và ký kết thêm 1 số liên kết phát triển du lịch với kỳ vọng sẽ tạo đà cho năm 2022 thật nhiều khởi sắc để tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. 

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho rằng, chính sự liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mở ra hướng phát triển mới và là phát triển bền vững cho cả vùng thời hậu Covid-19.

“Chiến lược kết nói này giúp cho khách có thể trải nghiệm từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi địa phương xây dựng 1 sản phẩm đặc thù không trùng lắp. Làm thế nào để giúp du khách trải nghiệm khám phá với từng địa phương thì du lịch mới thành công”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Chủ động kết nối, mở ra cơ hội 1
TPHCM có nhiều điểm tham quan, trung tâm mua sắm, các khách sạn cao cấp. Ảnh minh họa: PN

Đặc biệt trong năm 2022 khi đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng, cùng với tuyến Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sắp triển khai sẽ tạo thuận lợi kết nối giao thông liên vùng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh và ngược lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mở ra cho ngành du lịch nhiều tour tuyến liên vùng hấp dẫn và thuận lợi cho du khách.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho rằng việc liên kết vùng để phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung là việc làm ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay vì Thành phố Hồ Chí Minh có 1 vai trò rất quan trọng ở khu vực phía Nam : “Liên kết giữa đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh để cùng phát triển bền vững là tất yếu. Đây là cột mốc quan trọng cho sự phát triển không chỉ du lịch mà còn về hạ tầng giao thông văn hóa và kinh tế của toàn vùng.

Đồng Tháp sẽ ưu tiên để và tiếp tục triển khai các dự án kết nối giao thông phục vụ để cho cái tái cơ cấu nông nghiệp và du lịch phát triển tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch dẫn đến các khu du lịch trọng điểm của tỉnh và định tuyến giao thông kết nối với các tỉnh thành trong khu vực”.

Trong các liên kết được thỏa thuận, các địa phương sẽ tập trung phục hồi ngành du lịch với những giải pháp sáng tạo, mạnh dạn, tạo điều kiện thuận lợi để giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi sớm. Liên kết, hợp tác để tăng cường lượng khách 2 chiều từ các tỉnh, thành.

Về lâu dài hình thành xu hướng người Việt Nam du lịch Việt Nam và tăng cường hợp tác đẩy mạnh các chương trình kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh còn khó khăn. Ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đặt nhiều niềm tin vào sự liên kết lần này: “Đây là bước mở đầu cho các hoạt động hợp tác thực chất giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc trong thời gian tới. Từ đó tạo được động lực phục hồi ngành du lịch, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương và cả nước”.

Sự chủ động của Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp du lịch, đồng thời cũng đón nhận được sự hợp tác tích cực từ các tỉnh, thành. Theo Ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, việc liên kết phục hồi du lịch giữa các địa phương nhất là với Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay là điều kiện tiên quyết để ngành du lịch sớm vượt qua khó khăn sau khi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19: “Chúng ta cùng thống nhất với nhau để ứng dụng công nghệ kết nối thông tin khách du lịch. Khi khách đến thì chúng ta quản lý được có bao nhiêu người, đảm bảo an toàn để có sự quản lý chặt chẽ. Không thể dùng cách quản lý truyền thống bằng giấy gây khó khăn cho du khách”.

Suốt thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đã trực tiếp đến nhiều tỉnh, thành để khảo sát các điểm du lịch, làm việc với lãnh đạo các địa phương với những chương trình và kế hoạch cụ thể cho quá trình liên kết và phục hồi: “Trong điều kiện thích cứng an toàn, khi làm việc với các tỉnh chúng tôi bàn bạc rất kĩ. Với tinh thần năng động sáng tạo của các doanh nghiệp, tôi nghĩ các doanh nghiệp sẽ thích ứng. Thích ứng từ việc ăn uống, đến tổ chức tour. Vừa phát triển du lịch nhưng vừa phải đảm bảo phòng chống dịch bệnh”.

Trong điều kiện dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới và dự báo ít nhất phải tới cuối năm 2022 mới có thể lạc quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng muốn tồn tại và từng bước phục hồi thì ngành du lịch phải tuyệt đối đảm bảo an toàn và tận dụng khai thác tốt du lịch nội địa thông qua việc kết nối, liên kết với nhau.

Với sự chủ động, linh hoạt của mình để thích ứng trong điều kiện bình thường mới, một lần nữa Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện tính sáng tạo, vai trò tiên phong của một đô thị lớn, một đầu tàu kinh tế với các địa phương trên cả nước để cùng vực dậy ngành du lịch sau hơn 2 năm chịu quá nhiều tổn thất: “Tôi rất hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh có sáng kiến tổ chức các liên kết với các vùng. Liên kết này góp phần ghúc đẩy du lịch, đồng thời khắc phục được những điểm yếu của ngành du lịch lâu nay. Chúng ta cố gắng thúc đẩy để phát triển”.

Từ đầu năm 2022, Chính phủ đã cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm đón khách quốc tế theo lộ trình. Hàng loạt các hoạt động xúc tiến, liên kết du lịch đã và sẽ tiếp tục triển khai hứa hẹn đưa ngành du lịch thành phố phục hồi một cách ngoạn mục, phát triển bền vững và tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về kinh tế du lịch, qua đó đóng góp từ 10-12% GRDP cho kinh tế thành phố. 

Bình luận