“Huyền thoại Sông Gâm” - Đánh thức dòng chảy văn hóa du lịch liên tuyến Hà-Tuyên

(VOH) - “Huyền thoại Sông Gâm” là tuyến du lịch mới mà 2 tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang phối hợp với công ty Vietravel thí điểm khai thác du lịch.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông và nâng cấp chất lượng cơ sở lưu trú để tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch và thu hút du khách. Đây là chia sẻ của nhiều đại biểu tại Hội nghị Liên kết phát triển du lịch Tuyên Quang - Hà Giang với chủ đề “Huyền thoại Sông Gâm” diễn ra sáng 12/5, tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

“Huyền thoại Sông Gâm” là tuyến du lịch mới mà 2 tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang phối hợp với Công ty Vietravel thí điểm khai thác du lịch từ đầu năm đến nay. Hành trình trải nghiệm đi qua các địa phương như Hà Nội - Hà Giang - Du Già - Việt Quang - Lâm Bình - Na Hang - Tân Trào hoặc ngược lại.

Xem thêm: Gỡ nút thắt giao thông để du lịch Hà Giang phát triển

Trải nghiệm cung đường mới khai thác thí điểm này, bà Phạm Thị Thu Hiền, du khách ở quận 10 (TPHCM) chia sẻ rằng, Đông Bắc có nhiều nét hấp dẫn du khách nên mỗi lần ghé lại trong lòng bà đều có những ấn tượng riêng.

“Trước đây, tôi chỉ đi phía Đông Bắc của Hà Giang thôi, giờ được trải nghiệm khu vực Tây Bắc của tỉnh này và địa phận Tuyên Quang tôi thấy rất thú vị. Sau dịch nên cả gia đình tôi chỉ muốn đi riêng theo nhóm nhỏ và quay về với thiên nhiên để cảm nhận hơi thở của cuộc sống” – bà Hiền chia sẻ.

Hà Giang lâu nay vốn quen thuộc với du khách Việt qua những điểm check-in nổi tiếng như đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế, Phố cổ Đồng Văn, Dinh thự nhà Vương, núi đôi Quản Bạ, Làng văn hóa Lũng Cẩm… Tuy nhiên, thông qua tuyến du lịch “Huyền thoại Sông Gâm", ngành du lịch của hai địa phương kỳ vọng sẽ đánh thức các tài nguyên du lịch liên tuyến Mậu Duệ, Du Già (Yên Minh), huyện Bắc Mê (Hà Giang) và Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang)…

Ông Ma Văn Tỏe, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho hay, dòng sông Gâm (lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đoạn qua địa phận huyện Bắc Mê), được mệnh danh là dòng sông huyền thoại. Trong thời Pháp thuộc, đây là cung đường vận chuyển muối đi Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Sông Gâm
Cọc Vài Phạ (Cọc buộc trâu), điểm check-in không thể bỏ qua trên lòng hồ Na Hang

Chứng tích hiện nay vẫn còn đó là kho muối tại bờ sông phía trên Thác đổ. Khu vực Thác đổ với 2 bên vách đá hùng vĩ, rừng cây cổ thụ, rừng nguyên sinh đa dạng, đã tạo nên nét đẹp hoang sơ và ẩn chứa nhiều câu chuyện về “Huyền thoại Sông Gâm” chưa được nhiều người biết đến để khai thác.

Ngoài ra, Bắc Mê còn sở hữu 3 di sản vật thể: Căng Bắc Mê, hang người tiền sử Đán Cúm, Nà Chảo xã Yên Cường và 1 di sản phi vật thể - đó là Lễ hội cầu mùa, cầu mưa của dân tộc Dao đỏ. Đây là những tài nguyên giá trị có thể đem lại giá trị kinh tế nếu biết biến nó thành sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn du khách.

Tuy nhiên, theo ông Tỏe, giao thông thủy - bộ hiện vẫn rất khó khăn: “Hệ thống giao thông như quốc lộ 34, 280 hiện xuống cấp, đi lại khó khăn. Khách đi từ cao nguyên đá Đồng Văn qua Bắc Mê rất thuận lợi, nhưng khó đi…

Hệ thống đường thủy nội địa trên dòng sông Gâm chỉ duy trì mực nước có thể đi thuyền từ huyện chỉ khai thác được 6 tháng (từ tháng 9 năm trước, đến tháng 2 năm sau, chủ yếu vào mùa thu đông). Còn lại, muốn di chuyển bằng đường thủy phải xuống xã Thượng Tân mới đi được”.

Khai thác tuyến du lịch “Huyền thoại Sông Gâm” cũng chính là đánh thức những tài nguyên du lịch ở các vùng miền mà dòng sông này chảy qua. Sông Gâm bắt nguồn từ Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó đổ về Cao Bằng, uốn lượn qua nhiều vùng đất, tạo nên hàng chục danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Giang rồi sau đó xuôi về Lâm Bình, Nà Hang để hợp lưu với dòng Sông Lô đổ về lòng thủy điện Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, Sông Gâm còn được bổ sung nguồn nước từ các phụ lưu như sông Năng, Hồ Ba Bể, sông Nho Quế tạo nên nguồn nước khổng lồ, mang lại nguồn thủy năng rất lớn cho các địa phương trong khu vực.

Huyền thoại Sông Gâm
Thác Khuổi Nhi, một trong hàng chục con thác nhỏ nổi bật trên hành trình Huyền thoại Sông Gâm giữa 2 tỉnh Hà - Tuyên

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho rằng, ở Lâm Bình, Na Hang, Bắc Mê vẫn còn rất nhiều ngôi chùa có từ thế kỷ 13, 14 như chùa Phúc Lâm, nơi lưu giữ 13 pho tượng bằng gỗ nguyên sơ từ thế kỷ 13 - đời nhà Trần. Điều này cho thấy giá trị tài nguyên và tiêm năng phát triển du lịch to lớn của dòng chảy văn hóa hai bên bờ sông Gâm.

Theo ông Hiền: “Dòng sông Gâm chứa ẩn tất cả những gì kỳ diệu nhất của dòng chảy lịch sử, dòng chảy văn hóa và là nơi hội tụ những vẻ đẹp của giá trị di sản. Chưa nơi đâu còn tồn tại những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ quý như Sông Gâm. Và dọc theo con sông, đi giữa tháng 5 du khách dễ dàng bắt gặp những dải thác tung bọt trắng xóa trùng điệp, nước chảy bốn mùa đẹp tựa như nét chấm phá của tạo hóa giữa bức tranh đại ngàn.

Trên Sông Gâm còn chứa đựng nhiều hang động với các nhũ đá đẹp không kém Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là tiềm năng đang bắt đầu trỗi dậy mà chúng tôi đã chờ đợi từ lâu. Liên tuyến Bắc Mê - Na Hang - Lâm Bình thực sự đủ sức để làm nên những sản phẩm du lịch tốt, đặc sắc, riêng có và không lặp lại”.

Do trong giai đoạn đầu khai thác hoạt động du lịch nên cơ sở lưu trú của cả 2 địa phương Bắc Mê (Hà Giang và Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang) đều chưa phát triển. Cùng với hạ tầng giao thông, đây là một trong những khó khăn đặt ra đối với các tour du lịch thiên về nghỉ dưỡng hoặc những đoàn khách có quy mô lớn.

Bù lại, du lịch tự túc, phượt hay những du khách muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ thì đây là những điểm đến tuyệt vời. Dù chưa có những khách sạn chuẩn 3 sao nhưng những homestay chất lượng tương đương cũng dần được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho hay, những khó khăn về giao thông tới đây từng bước sẽ được tháo gỡ bởi nhiều dự án như nâng cấp tuyến Quốc lộ 2 Tuyên Quang - Hà Giang; tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hiện đã nằm trong Quy hoạch đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021.

Ông Phương nói thêm: “Tuyên Quang đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Khi xây dựng xong, khách từ phía Nam ra Nội Bài chỉ mất 1 tiếng để lên Tuyên Quang.

Chúng tôi cũng đang phối hợp với Hà Giang xây dựng tuyến cao tốc liên tỉnh, giai đoạn đầu dài 80 km và đã được bố trí nguồn vốn. 2 địa phương đang tập trung các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện để giải ngân xong nguồn vốn này.

Hy vọng, hết năm 2023, hệ thống giao thông từ Nội Bài đến Tuyên Quang, Hà Giang sẽ có toàn cao tốc trong vòng 2,5 tiếng đồng hồ”.

du lịch Hà Giang, du lịch Tuyên Quang
Đại diện các bên tham gia ký kết hợp tác chiến lược liên tuyến Hà Giang - Tuyên Quang

Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho hay, từ sau chuyến làm việc của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng thăm và làm việc với Tuyên Quang hồi cuối năm ngoái, các doanh nghiệp du lịch giữa TPHCM đã đưa nhiều đoàn khách đến tham qua và lưu trú qua đêm tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu suất kinh doanh khối lưu trú, khách sạn của Tuyên Quang.