Cây chè Shan tuyết chủ yếu sống ở những vùng núi có độ cao từ 1.000 mét trở lên so với mực nước biển.
Do điều kiện khí hậu lạnh, mây mù bao phủ quanh năm, búp chè khi nhú lên sẽ có một lớp lông tơ mịn như nhung bao phủ. Lớp lông này có tác dụng bảo vệ những búp và lá chè non tồn tại trong thời tiết lạnh giá.
Khi búp chè được sấy khô, lớp lông tuyết vẫn còn giữ lại được ở cánh chè – đây là một trong những đặc điểm nổi bật của loại trà này so với các loại trà được trồng ở vùng trung du và đồng bằng.




Tại Hà Giang, chè Shan tuyết phổ biến nhiều ở các huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Xín Mần...
Riêng huyện Hoàng Su Phì có 4.650 ha trong đó cây chè cho sản phẩm là 3.600 ha tổng sản lượng hàng năm là hơn 14.000 tấn búp chè tươi.
Đặc biệt, huyện Hoàng Su Phì sở hữu 1.200 cây chè Shan tuyết được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn cây chè cổ thụ mang nguồn gen quý, góp phần nâng cao giá trị, từ đó tăng thu nhập cho bà con các dân tộc trong vùng.

Trà nhân Phượng Shan (dân tộc Hoa) cho biết, cây chè Shan tuyết tại Hoàng Su Phì tập trung ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Nậm Khòa, Hồ Thầu, Bản Nhùng, Bản Luốc và Túng Sán.
Đặc biệt nhất là vùng chè Túng Sán dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh có độ cao 2.428m so với mực nước biển - là nơi những cây chè shan tuyết sinh trưởng và phát triển tự nhiên. Quần thể cây chè tại đây có hương vị đặc biệt hơn cả ít chát đắng, hậu ngọt sâu, hương thơm cốm non.
Theo trà nhân Phượng Shan, từ nguyên liệu của cây chè shan tuyết cổ thụ, bà con dân tộc nơi đây đã có thể chế biến ra các dòng trà: Lục trà shan, hồng trà, bạch trà, trà ép bánh, mẫu đơn, trà đen. Mỗi loại trà được chế biến theo các cách khác nhau và cho ra hương vị trà khác nhau.
Tại đỉnh Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi còn có những cây trà rừng - trong khu vực bảo tồn - được thu hái và cho ra những phẩm trà quý như: Trà móng rồng, trà tiên được coi là trà dược.
Trà nhân Phượng Shan chia sẻ thêm, trước đây, để sản xuất lục trà shan, búp chè được cho lên chảo gang xao, vò, rồi xao khô uống dần. Loại trà này còn được gọi là trà mạn, ngày nay mọi người thường gọi là trà xanh.
Khi ngành trà phát triển, người dân đã làm ra được nhiều dòng trà hơn. Chẳng hạn như hồng trà shan - một dòng trà lên men tự nhiên có hương thơm mật ong rừng, ít chát đắng, hậu ngọt êm. Nước trà màu nâu đỏ, uống trà tốt cho sức khỏe phòng chống ung thư, chống lão hóa, chứa nhiều EGCG tốt cho da.
Bạch trà có giá trị cao nhất trong các dòng trà và là sản phẩm cao cấp. Trà ép bánh sống là dòng trà lên men tự nhiên qua thời gian lưu trữ tốt càng lâu trà càng lên men uống tốt cho sức khỏe…
Bên cạnh đó, búp trà rừng như móng rồng, shan tiên cũng là những dòng trà dược quý hiếm uống không mất ngủ, chứa nhiều polyphenol giúp ngừa ung thư.
Bà con các dân tộc Dao, Cờ Lao, H’Mông, Tày, Hoa và nhiều dân tộc khác tại Hoàng Su Phì sớm thấy được tác dụng của cây chè. Ban đầu, họ dùng chè làm thuốc. Sau này, búp non của những cây chè Shan tuyết được chế biến thành nhiều phẩm trà quý và trở thành đặc sản độc đáo của cùng đất này.
Những cây chè Shan hiện vẫn được bà con các dân tộc Hoàng Su Phì bảo tồn, phát triển các sản phẩm trà theo hướng bền vững, lan tỏa sâu rộng văn hóa trà của người dân vùng núi Hà Giang.