Một số đơn vị lớn hơn phải rất vất vả để giữ chân nhân viên bằng cách chuyển sang mua bán bảo hiểm, khẩu trang y tế và bán đặc sản ẩm thực các vùng miền… Số khác thì lại cầm cự bằng việc trả lại mặt bằng ở vị trí đắc địa lâu nay để dời trụ sở về những không gian nhỏ hơn nhằm giảm thiểu chi phí.
Việc duy trì kinh doanh lữ hành và các hoạt động du lịch lúc này thực sự cam go khi mà tâm lý của du khách đã có vẻ cẩn thận hơn trong việc cân nhắc đi du lịch. Thêm vào đó, từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm, không phải là mùa của dụ lịch nội địa và doanh thu của các công ty du lịch chỉ phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế lẫn hoạt động outbound. Kịch bản nào cho việc phục hồi thị trường du lịch từ nay đến cuối năm, thậm chí qua năm sau cũng là "vấn đề".
Lệ thường, dịp Quốc khánh mùng 2/9 chính là đợt hoạt động nhộn nhịp cuối cùng trong năm của mảng du lịch nội địa thế nhưng năm nay, những kỳ vọng của các đơn vị kinh doanh trong chuỗi hoạt động toàn ngành hầu như bị dập tắt cùng với đợt tái bùng phát lần 2 của dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay, nhu cầu của du khách hầu như không có vì e ngại dịch bệnh lây lan, chưa được kiểm soát.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Phòng Truyền Thông và Tiếp thị, Công ty Du lịch TST cho hay, lượng khách vào dịp Lễ 2/9 chỉ mang tính chất khởi động thị trường với những tour gần, an toàn. Dù vậy, tại TST tourist, đơn vị này cho biết đã nhận được tín hiệu phản hồi tích cực từ thị trường, đặc biệt với những tour có bán kính 120km
Ông Mẫn cho hay, số lượng khách đã đặt tour khởi hành trong tháng 9/2020 đã đạt gần 450 khách, trong đó số lượng khách đi vào dịp lễ 2/9 chỉ đạt gần 50 khách. Tuy không kỳ vọng tăng đột biến, song đây là những tín có dấu hiệu khả quan hơn.
Dự kiến tổng số khách trong tháng 9/2020 có thể đạt ở mức 900 – 1.000 khách. Đây có thể xem là tín hiệu rất lạc quan trong việc kích thích thị trường du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19 đợt 2 đang được kiểm soát tốt. Với TPHCM, để đẩy mạnh phục hồi tour du lịch nội đô cần phải làm mới các sản phẩm hiện có lẫn các sản phẩm mới.
Theo ông Mẫn TPHCM, có nhiều chương trình rất mới lạ hấp dẫn, ví dụ như tuyến khám phá TPHCM bằng xe buýt mui trần khá hấp dẫn của Hop-On Hop-Off mới ra đời cũng khá đặc biệt, Sài Gòn Waterbus cũng là một hình thức khám phá được vẻ đẹp TPHCM từ dòng sông. Ngoài ra, còn có Củ Chi, rừng Cần Giờ cũng là vùng du lịch sinh thái nông nghiệp khá thú vị. Các sản phẩm du lịch tạo nên sự mới mẻ, không chỉ mang tính chất trải nghiệm mà còn là hoạt động giáo dục hiệu quả.
Sau đợt dịch Covid-19 bùng phát đợt 2, tâm lý chung của khách du lịch là rất ngần ngại nên các công ty lữ hành chủ động xây dựng những chương trình tour một cách linh hoạt, thậm chí theo từng nhóm khách nhỏ để thích ứng và chiều theo nhu cầu của thị trường chứ không phụ thuộc và những tour khách đoàn như trước đây.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho hay, sau lễ 2/9, công ty cũng ghi nhận rằng thị trường đã có những phản ứng "ấm hơn" một chút so với trước, chủ yếu tập trung vào những tour khởi hành bằng xe, đi cùng với gia đình và bạn bè chứ không đi tour trọn gói như ngày thường. Chính vì vậy, công ty xây dựng nhiều combo riêng lẻ để khai thác và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Theo bà Hoàng, các tour đi trọn gói vẫn được duy trì bình thường như tour Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, về miền Tây… khởi hành bằng xe vẫn có khách đăng ký mua tour. Ở TPHCM, với các tour khởi hành 1-2 ngày từ TPHCM đi Tây Ninh, Củ Chi, Cần Giờ vẫn có nhưng không nhiều. Bên cạnh đó, vẫn có một số khách hàng chọn đi Tây Bắc trong đầu tháng 10 tới. “Có thể thấy, tour thì vẫn đều nhưng không được như kỳ vọng của mình. Sự quay trở lại của du khách vẫn ít hơn hẳn so với đợt 1 vì tâm lý của mọi người cũng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.”, bà Hoàng nói.
Trong khi chờ đợi sự hồi phục của thị trường du lịch nội địa, Vietravel cho hay đã chuyển sang khai thác thị trường thuê bao nguyên chuyến (charter) để đón các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Đây là nhu cầu có thật, trong khi các chuyến bay thương mại quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa được phép khai thác của ngành hàng không.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng cho hay, trong 27/8 và 1/9, Công ty đã hoàn thành việc vận chuyển 2 chuyến bay đón các chuyên gia như thế tại các trung tâm quá cảnh là Malaysia và Hàn Quốc.
Dịch vụ đón chuyên gia nước ngoài được Vietravel tập trung khai thác. Các chuyên gia ở khắp nơi và Vietravel sẽ thông báo tập trung tại một trung tâm nào đó để họ bay qua. Đây là những chuyên gia đã được UBND Thành phố duyệt rất lâu rồi nhưng mà họ vẫn bị kẹt, chưa thể qua được.
Đây là thời điểm chúng ta sắp xếp cho các chuyên gia này vào TPHCM làm việc. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam chỉ mới duyệt những chuyên gia đầu ngành và các nhà đầu tư lớn mới được vào Việt Nam, công nhân thì hầu như chưa có.
“Địa điểm mà chúng tôi chọn là những sân bay trung tâm lớn của quốc tế có các đường bay nối chuyến tốt như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản… Những trung tâm này có các đường bay được phép quá cảnh trong vòng 24h tiếng để các chuyên gia quá cảnh và chúng tôi sẽ đưa họ về sau khi hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu”, bà Hoàng nói.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng chỉ ra rằng, với 2 đợt dịch bùng phát liên tục, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, hàng triệu lao động thất nghiệp và giảm thu nhập thì việc hồi phục của thị trường du lịch là điều khó khăn, vì du lịch là nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình nhưng điều đó lại phụ thuộc vào thu nhập và số tiền dự trữ. Có chăng chỉ còn những nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như y tế, lương thực - thực phẩm, bảo hiểm, ngân hàng,…
Những lao đông của ngành này có thể chi cho nhu cầu du lịch, giải trí nhưng họ rất e ngại đi lại trong thời điểm hiện nay. Bà Phan Thị Thu Minh, Chủ tịch Hội Du lịch Công đồng Việt Nam cho hay, giả sử có kịch bản kích cầu du lịch lần 2 cũng khó thành công.
Theo bà mọi người hy vọng vào việc hồi phục của ngành du lịch hiện nay nhưng phải nhìn nhận một thực tế: việc phục hồi của ngành du lịch chỉ có thể khi nào thế giới có vắc-xin. Khi có vắc-xin để toàn dân được sử dụng nhằm tạo ra cơ chế miễn dịch ở mỗi người thì người ta mới đi làm, đi kiếm tiền, tích lũy. Nghĩa là phải có thêm thời gian để hồi phục nền kinh tế, để tích lũy nguồn tiền.
Có tiền thì khi đó người ta mới đi du lịch. “Nhu cầu đi du lịch có thể tạm thời hoãn lại được để nhường cho việc ăn uống, chăm sóc sức khỏe, y tế. Chỉ có những nhóm ngành này may ra mới ổn định được. Chứ với riêng du lịch, người ta không đi cũng được, vì có tiền đâu để dành cho đi du lịch lúc này.”, bà Minh nói.
Mới đây, ngành du lịch TPHCM cũng triển khai chương trình kích cầu lần 2. Để hỗ trợ các công ty du lịch trong việc quảng bá, giới thiệu điểm đến TPHCM, Sở Du lịch Thành phố tập trung đẩy mạnh quảng bá qua website chính thức của chương trình kích cầu du lịch tại địa chỉ trang web www.kichcaudulichtphcm.vn để giúp các du khách tìm kiếm các thông tin về tour, tuyến du lịch và các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là các thông tin về city tour và các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn TPHCM.
Thống kê của Sở Du lịch Thành phố cho thấy, kể từ khi triển khai chương trình cho đến trước khi dịch covid-19 bùng phát lần thứ 2 (vào cuối tháng 7/2020), đã có gần 27.000 lượt truy cập website này. Tại trang web này, du khách có nhu cầu khám phá City tour hoặc các chương trình tour liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ sẽ có giá ưu đãi từ 30 - 50%.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết Tiêu chí kích cầu du lịch không chỉ là kích cầu với giá cả hợp lý mà tiêu chí đầu tiên của chương trình đó là phải xây dựng những chương trình tham quan an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay. Tiếp theo đó, là đảm bảo chất lượng chương trình để tạo sự thu hút, kích thích nhu cầu đi du lịch từ chất lượng, từ sự hấp dẫn của chương trình tour chứ không phải từ sự hấp dẫn về giá cả chào bán.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các địa phương, đến nay, dịch bệnh cơ bản được khoanh vùng trong phạm vi một số địa phương; đại đa số các tỉnh thành trong toàn quốc không có dịch trong cộng đồng và đời sống kinh tế - xã hội gần như đã trở lại bình thường.
Tại TPHCM, Sở Du lịch đã phối hợp tham mưu UBND Thành phố ban hành bộ tiêu chí an toàn trong tình hình mới nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Sở Du lịch và các sở ngành, quận – huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chí an toàn phòng dịch tại các cơ sở dịch vụ trên địa bàn TPHCM. Các doanh nghiệp du lịch ở các địa phương cũng tổ chức nhiều biện pháp nhằm đảm bảo các tiêu chí an toàn và phòng chống dịch bệnh cho du khách khi di chuyển trên hành trình và tại các điểm đến. Hy vọng rằng, đà phục hồi của thị trường du lịch sẽ có những chuyển tốt hơn trong dịp cuối năm.
Bức tường “tình yêu” ở Đà Lạt - Tại Hẻm 186 Bùi Thị Xuân, Đà Lạt có một bức tường trên đó là dòng chữ "Anh yêu em" bằng nhiều thứ tiếng là điểm mà nhiều cặp đôi ghé đến khi tới thành phố mộng mơ này.
Hữu Nghị