Kinh nghiệm du lịch văn hóa tới làng tranh Đông Hồ - Bắc Ninh

Tranh Đông Hồ (tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ) là dòng tranh dân gian Việt Nam được các nghệ nhân làng Đông Hồ làm ra.

Tranh Đông Hồ không đơn thuần chỉ là những bức tranh đơn sơ, mộc mạc khắc họa nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, mà từ lâu nó đã trở thành niềm tự hào, là bản sắc dân tộc. Hãy cùng khám phá làng tranh nổi tiếng này nhé!

voh.com.vn-lang-tranh-dong-ho

Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ (Nguồn: Internet)

Sơ nét về làng tranh Đông Hồ

Làng tranh Đông Hồ là một làng nghề nổi tiếng từ lâu với những sản phẩm tranh khắc gỗ mang âm vị dân gian mộc mạc mà đằm thắm. Ngày nay làng tranh Đông Hồ là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng ngàn lượt du khách ghé thăm. 

Làng tranh Đông Hồ (hay còn được gọi là làng Hồ hoặc làng Mái) có lịch sử truyền thống đến hơn 400 năm, bắt đầu từ những năm thế kỷ thứ 16. Cuối thế kỷ 18 đến năm 1944 là thời gian phát triển cực thịnh của làng tranh Đông Hồ, thời đó có 17 dòng họ làm tranh khắc gỗ.

Chợ tranh hoạt động tấp nập bắt đầu từ tháng Chạp với 5 phiên chợ. Phiên chợ cuối cùng kết thúc vào 26/12 (Âm lịch). Tranh Đông Hồ được bán cho các lái buôn, gia đình để treo chủ yếu trong ngày Tết nhằm cầu chúc những điều tốt đẹp.

“Làm quan có bốn lọng vàng

Không bằng ngày Tết về làng bán tranh”

Trong thời chiến tranh, làng tranh bị tàn phá dữ dội, hàng ngàn bản khắc gỗ làm tranh cũng bị thiêu rụi. Năm 1967, vì niềm khao khát muốn khôi phục lại làng tranh dân gian mà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cùng 50 thợ cả trong làng thành lập “Hợp tác xã sản xuất tranh”. Đến cuối thập niên 90 thế kỉ XX, làng tranh bắt đầu suy tàn, tranh rất khó bán, người dân trong làng không còn mặn mà với nghề làm tranh nữa. 

Vào năm 2007, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - đời thứ 20 của dòng họ làm tranh nổi tiếng tại Đông Hồ đã xây dựng “Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống” và từ đó nơi đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách thập phương. Hiện làng Đông Hồ có nhà làm tranh nổi tiếng là gia đình cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. 

Làng tranh Đông Hồ ở đâu?

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch có lề

Có sông tắm mát có nghề làm tranh”

Làng tranh Đông Hồ tọa lạc tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội chừng 35 km về hướng đông. Ngôi làng nằm ngay trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay được gọi với cái tên cầu Hồ. 

Hướng dẫn đi từ Hà Nội đến làng tranh Đông Hồ:

  1. Đi bằng xe máy, xe ô tô: Quốc lộ 5 (đường 5) – Quốc lộ 18B – phố Sủi – chợ Keo – chợ Dâu – rẽ trái xuống đường đê – rẽ phải 3 km – Làng tranh Đông Hồ. Xem hướng dẫn tại đây
  2. Đi bằng xe bus: tuyến 204 (Hà Nội – Thuận Thành, Bắc Ninh), đi đến cuối bến thì đi vài km sẽ tới làng tranh Đông Hồ.

Thời gian dự kiến đi: 60 phút

Thời gian thích hợp để tham quan: Có mặt tại làng tranh khoảng 9h – 11h hoặc từ 14h – 17h để có những trải nghiệm tốt nhất.

Du lịch làng tranh Đông Hồ có gì hay?

Đến với làng tranh Đông Hồ bạn không thể bỏ qua “Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ”, tại đây bạn sẽ được giao lưu cùng với gia đình các nghệ nhân, nghe họ kể về lịch sử của ngôi làng, quy trình để làm ra một bức tranh cũng như ý nghĩa của chúng. Mỗi một bức tranh được vẽ ra đều chứa đựng những tinh hóa văn hóa truyền thống qua từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Và nếu may mắn, bạn sẽ được tham gia làm tranh Đông Hồ cùng các nghệ nhân.

voh.com.vn-lang-tranh-dong-ho-1

Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ (Nguồn: Internet)

Tranh Đông Hồ với đủ hình dáng, kích thước, màu sắc, công dụng được trưng bày cẩn thận trong các căn nhà mái ngói truyền thống chứa đựng ký ức thời gian. Ngoài các sản phẩm về tranh, tại đây còn bày bán các sản phẩm liên quan như: sổ khâu in tranh Đông Hồ, sổ giấy điệp, giấy điệp, lịch Đông Hồ, các bức bình phong mang họa tiết tranh Đông Hồ,…

voh.com.vn-lang-tranh-dong-ho-2

Các sản phẩm tại làng tranh (Nguồn: Internet)

Đến đây bạn có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm, bạn sẽ không phải lo lắng về hàng thật hay hàng giả vì mỗi bức tranh đều là những tinh hoa và tâm huyết của các nghệ nhân nơi này. Một bức tranh Đông Hồ có thể lưu giữ được như mới trong nhiều năm với giá chỉ dao động từ: 20 nghìn – 150 nghìn/bức tranh. 

Hàng năm có hàng ngàn du khách trong và ngoài nước ghé thăm làng tranh Đông Hồ để được nghe kể về lịch sử của làng tranh và mang về cho gia đình những tác phẩm như một món quà kỷ niệm.

Quy trình làm tranh Đông Hồ

Bởi mang đậm nét truyền thống và dân gian nên tranh Đông Hồ vẫn luôn được yêu mến và đón nhận dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Một bức tranh Đông Hồ luôn tạo được sự khác biệt so với hàng nghìn, hàng triệu sản phẩm khác.

Được làm hoàn toàn bằng thủ công từ giấy, mực in, bản in khắc gỗ hay giấy in. Phương pháp làm tranh Đông Hồ truyền thống vẫn được lưu giữ vẹn nguyên từ những năm thế kỉ 16 đến nay. 

Để làm ra một bức tranh Đông Hồ hoàn chỉnh cần rất nhiều công đoạn và thời gian:

Sáng tác mẫu và tạo bản khắc gỗ: Nghệ nhân sẽ phải ngồi sáng tác mẫu vẽ xem bức tranh sẽ có những chi tiết gì, sau đó vẽ phác thảo và bắt đầu khắc, đục lên các bản gỗ. Đây là công đoạn đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ và kinh nghiệm. Mỗi mẫu vẽ sẽ có nhiều bản khắc gỗ để kết hợp với nhau tạo nên một bức tranh.

Chuẩn bị giấy dó: Một trong những nguyên liệu quan trọng để làm ra một bức tranh không thể bỏ qua đó chính là giấy dó. Giấy dó được làm từ từng mảnh của vỏ dó lấy trên rừng về. Vỏ dó được tách ra rồi đem ngâm với vôi (3 tháng), đem nấu cách thủy khoảng 3 ngày 2 đêm đến khi chín nhừ và ngửi được mùi thơm của vỏ cây, rồi mang giã bằng chày và cối. Đãi sạch nước vôi từ hỗn hợp sau khi giã, hòa bột để giấy seo lại, ép khô nước, phơi khô và đóng thành sản phẩm. Cuối cùng trước khi giấy dó được đem ra in tranh lên thì phải được quét qua 1 lớp hồ điệp.

Màu vẽ: Màu vẽ tranh được lấy từ những chất liệu đời sống hàng ngày thân thuộc nhất, màu vàng của hoa hòe, màu xanh từ lá chàm, màu đen của lá tre, trắng của vỏ sò điệp, màu đỏ của gạch non.

In tranh: Một mẫu vẽ sẽ gồm nhiều bản khắc, trung bình khoảng 5 bản khắc in trong 5 lần để hoàn thiện một bức tranh. Ngoài ra các nghệ nhân cũng sẽ dùng bút để đi những nét vẽ mảnh và nhỏ hơn trên bức tranh.

voh.com.vn-lang-tranh-dong-ho-3

Tranh Đông Hồ (Nguồn: Internet)

Phơi tranh: Công đoạn cuối cùng chính là đem tranh phơi dưới ánh nắng để ráo mực in và đạt được chất lượng tốt nhất trước khi đem bán. 

voh.com.vn-lang-tranh-dong-ho-4

Tranh Đông Hồ hoàn chỉnh (Nguồn: Internet)

Những lưu ý khi du lịch làng tranh Đông Hồ

Một số lưu ý nhỏ khi đi du lịch tại làng tranh Đông Hồ:

  1. Hãy tìm hiểu kỹ về thông tin chuyến đi và thời tiết để có thể đến nơi trong khoảng thời gian tốt nhất.

  2. Chuẩn bị tiền mặt dao động từ 200 nghìn trở lên cho những chi phí phát sinh và mua quà lưu niệm từ làng tranh. Nên chuẩn bị một chiếc túi vải/da nhỏ để đựng sản phẩm.

  3. Ăn mặc thuận tiện, dễ hoạt động nếu bạn lựa chọn những phương tiện đi lại như xe máy hay xe buýt công cộng vì có thể bạn sẽ phải đi bộ một đoạn để đến được làng tranh. Tuy nhiên đường làng cũng đã được đổ bê tông nên xe ô tô hay xe khách có thể vào được khá sâu.  

Làng tranh Đông Hồ là một làng nghề nổi tiếng lâu đời của Việt Nam. Đã có những dự đoán, đồn đại rằng những người làm nghề tranh Đông Hồ sẽ chuyển sang làm hàng mã và bỏ rơi những gì cha ông để lại. Nhưng thực tế, người ta vẫn thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương để phục hồi lại làng tranh dân gian Đông Hồ, tạo công ăn việc làm cho người dân, và đưa tranh Đông Hồ đi xa hơn không chỉ đến với người dân trong nước mà còn cả quốc tế. Là một người con đất Việt, hãy một lần đến với làng tranh Đông Hồ và tận tay lưu giữ những tinh hóa văn hóa do cha ông ta để lại.

Nam Du – Vi vu hòn đảo xinh đẹp với chi phí cực hợp lý : Nam Du với những bãi biển hoang sơ, xinh đẹp, hải sản tươi ngon là lựa chọn lý tưởng cho một kỳ nghỉ ngắn ngày không quá tốn kém, xách ba lô lên và đi thôi!
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt – Nơi tìm thấy bình yên giữa bộn bề cuộc sống : Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt sẽ đưa bạn vào một thế giới khác với cuộc sống bộn bề ngoài kia. Nơi đây dường như chỉ có sự an yên, tĩnh lặng giữa những vườn hoa xinh đẹp cùng tiếng chuông ngân.
Bình luận