Chuyến tham quan được tổ chức từ 8h đến 12h và từ 14h đến 17h trong ngày 29/4 và 30/4.
Để được vào xem công trình kiến trúc nổi tiếng này, du khách cần đăng ký trước với Sở Du lịch. Thành phố cũng phát hành thư mời tới một số trường hợp.
Du khách được xem một phần toà nhà như sảnh chính, phòng tiếp khách quốc tế ở tầng trệt, tầng hai, phòng họp số 5 và ban công. Tại đây khách sẽ được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành và phát triển của tòa nhà, điểm nhấn kiến trúc, thiết kế nghệ thuật và công năng từng phòng.
Đọc thêm: TPHCM: Khai mạc lễ hội ẩm thực với hơn 350 món ngon ba miền
Trụ sở UBND TPHCM được xây dựng năm 1889, hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, 30 mét mặt tiền của tòa nhà trích dẫn hầu hết các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc thời Đệ tam cộng hòa Pháp (1870-1940): tháp chuông, cột Hy Lạp, tràng hoa, huy hiệu. Các chi tiết trang trí được thực hiện với độ tinh xảo cao.
Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe và một đứa bé đang chế ngự thú dữ, hai bức đắp nổi người phụ nữ cầm gươm ở hai bên tượng trưng cho nước Pháp đi chinh phục thuộc địa. Về trang trí nội thất, ít có công trình nào sánh được về tính cầu kỳ, đa dạng bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa.
Thời Pháp, toà nhà có tên là Hotel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà có tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở UBND TPHCM.
Trụ sở UBND thành phố là một trong những di sản kiến trúc Pháp còn lại của TPHCM. Năm 2020, toà nhà được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.