Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lễ hội “Kỷ niệm 20 năm Ẩm thực Khẩn hoang Nam Bộ - Hạt Lúa Quê Tôi”

(VOH) - Lễ hội “Kỷ niệm 20 năm Ẩm thực Khẩn hoang Nam Bộ - Hạt Lúa Quê Tôi” của Làng du lịch Bình Quới sẽ tái hiện gian bếp của người Việt từ xưa đến nay với các loại bếp phong phú...

Trong nền văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc Việt thì không thể không nhắc đến hoạt động của một số làng nghề: làm bún, nấu rượu, gói bánh…

Lễ hội “Kỷ niệm 20 năm Ẩm thực Khẩn hoang Nam Bộ - Hạt Lúa Quê Tôi” của Làng du lịch Bình Quới sẽ tái hiện gian bếp của người Việt từ xưa đến nay với các loại bếp phong phú: bếp nấu bằng củi, bếp nấu bằng trấu, bếp nấu bằng than, bếp nấu bằng mạt cưa…

Điểm hấp dẫn của Lễ hội chính là các món ăn được chế biến từ  thực phẩm quen thuộc hằng ngày của người Việt như: Cơm tấm, cháo, phở, xôi, chè, bánh… Không chỉ vậy, Lễ hội còn tái hiện kỷ niệm thời thơ ấu của nhiều thế hệ với những trò chơi đồng quê: Đá cá, đá dế, hô lô tô, cà kheo, banh đũa, bịt mắt đập niêu, nặn tò he, thắt đồ chơi bằng lá dừa, thuyền bẹ chuối, chơi các loại cờ… đưa du khách thả hồn cùng những giai điệu quê hương ngọt ngào sâu lắng với hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian như: đờn ca tài tử, cải lương, hò trên sông...

VOH: Thưa ông vì sao chúng ta lại chọn chủ đề "Hạt lúa quê tôi" cho chương trình Lễ hội kỷ niệm 20 năm ẩm thực Khẩn hoang Nam bộ?

Ông Chiêm Thành Long: Chương trình Ẩm thực Khẩn hoang Nam Bộ có từ năm 1998, đến nay đã được 20 năm. Chúng tôi muốn thể hiện một sự cần cù, lao động của người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người miền Tây Nam bộ sống bằng hạt lúa hạt gạo. Và hạt lúa, hạt gạo đã giúp cho người Việt Nam chúng ta sinh sống được từ bao đời nay. Vì vậy, quý trọng hạt lúa hạt gạo, chúng tôi muốn nâng tầm giá trị của hạt lúa hạt gạo để mọi người thấy rằng giá trị của hạt lúa, hạt gạo không phải chỉ là những bữa cơm thông thường mà hạt lúa, hạt gạo sẽ là những sản vật đặc sản cho mọi người thưởng thức những món ăn phong phú và đa dạng. Thông qua Chương trình Lễ hội kỷ niệm 20 năm ẩm thực Khẩn hoang Nam bộ - Hạt lúa quê tôi, chúng tôi mong muốn thực khách khi đến tham dự, ai cũng đều thấy được quê mình ở trong đó, vinh dự khi mình đã có những hạt lúa, hạt gạo và đã sáng tạo được những món ăn bổ dưỡng, ngon miệng từ hạt lúa, hạt gạo này.

VOH: Nhiều trò chơi làng quê dân gian vốn đã mai một từ lâu sẽ được tái hiện trong khuôn khổ sự kiện. Ông đặt kỳ vọng gì cho điểm nhấn quan trọng này? Ông dự đoán các bạn trẻ sẽ đón nhận những trò chơi dân gian truyền thống này như thế nào?

Ông Chiêm Thành Long: Về trò chơi dân gian, chúng tôi thấy rằng đây là những trò chơi luôn luôn và lúc nào cũng thu hút được giới trẻ, đặc biệt là những người lớn tuổi, những thế hệ cha ông vì gợi nhớ cho họ những thời xa xưa, họ đã tự tạo ra đồ chơi, trò chơi giải trí cho mình. Chính từ chỗ đó, họ sẽ nhắc nhở cho con cháu là ngày xưa ông/bà/cha/mẹ đã từng chơi những trò chơi như thế này, đã từng chơi cờ gánh, chơi ô ăn quan… Hiện nay chúng ta thấy rằng thời hiện đại, thời điện tử, mỗi em một iPad hoặc một smartphone và cứ thế mà cắm cúi, không suy nghĩ không có một hoạt động cơ thể, từ đó sẽ trở nên lười đi.

Vì vậy, chúng tôi muốn lồng ghép vào những chương trình như vậy để mọi người thấy rằng gợi nhớ những trò chơi dân gian chỉ là một phần, điểm chính là chúng ta phải vận động để làm sao cho thân thể cường tráng thì trí não mới thông minh. Từ đặc điểm này, chúng tôi đều đưa những trò chơi dân gian vào tất cả các chương trình ẩm thực của Làng du lịch Bình Quới. Người tham dự không đơn thuần chỉ đến ăn mà còn được hưởng thụ những không gian văn hóa; các thế hệ cùng gắn kết lại với nhau và cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon, đậm đà hương vị Việt.

VOH: Một điều thú vị khác là gian bếp của người Việt xưa cùng một số làng nghề làm bún, nấu rượu, gói bánh cũng được tái hiện. Ban tổ chức có sự chuẩn bị cũng như tổ chức ra sao để có thể tái hiện sinh động những không gian truyền thống xưa như vậy?

Ông Chiêm Thành Long: Việc tái hiện lại những làng nghề, biểu diễn những món ăn Việt Nam là một sự kỳ công của Ban tổ chức, của cán bộ nhân viên của Làng du lịch Bình Quới, mà đặc biệt nhất là các bộ phận đầu bếp. Có những món ăn thực khách thưởng thức, họ không hề biết quy trình hoặc không thể hình dung làm sao có thể làm ra được sợi bún, bánh tráng hoặc cọng bánh canh…

Hiện nay, chúng ta đơn giản nghĩ máy móc có thể thay thế con người, sản xuất ra được sản phẩm mình muốn. Nhưng trước đây, không có máy móc, cha ông chúng ta đã sáng tạo ra những món ăn này như thế nào khi máy móc và công nghệ còn lạc hậu?! Chính vì điều này, chúng tôi đi sưu tầm, đến những nơi xa xôi, những nơi còn cách làm thủ công các món ăn dân gian… Và chúng tôi cử nhân viên tới tìm hiểu, liên hệ để xin học nghề, tự học nghề… Sau đó, chúng tôi quay trở về tái hiện lại và biểu diễn cho mọi người cùng xem. Chúng tôi nhận thấy rằng những việc làm này sẽ làm phong phú các món ăn ngon, đặc sản Việt Nam. Thực khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt cách làm ra những món ăn ngon, được thưởng thức và sẽ quý mến, trân trọng món ăn Việt của chúng ta nhiều hơn.

VOH: Nội dung ẩm thực được xem là "linh hồn" của chương trình "Hạt lúa quê tôi". Xin ông chia sẻ một số điểm độc đáo trong phần ẩm thực mà chúng ta muốn gởi đến các thực khách?

Ông Chiêm Thành Long: Với chủ đề là “Hạt lúa quê tôi” nên tất cả những món ăn trong Chương trình Lễ hội kỷ niệm 20 năm ẩm thực Khẩn hoang Nam bộ đều liên quan đến hạt lúa hạt gạo. Khi chúng tôi làm chương trình này, thoạt đầu, chúng tôi nghĩ là sẽ không có được nhiều món, nhưng khi liệt kê ra thì mới thấy có quá nhiều món để thực hiện. Từ món khai vị là những món được làm bằng bánh tráng cuốn như: Gỏi cuốn, Bì cuốn, Bò bía… Món chính có những món liên quan đến bún, cháo…; Tráng miệng là các loại chè… đều liên quan đến gạo. 

Ban Tổ chức chúng tôi cũng phải chọn lọc lại, chọn những món có nguồn gốc từ một số vùng đặc sắc để đưa vào Chương trình lần này như: Bánh canh Bến Có ở Trà Vinh, những món ăn ngon của tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ… Trong chuyến công tác vừa qua, tôi đưa anh em nhân viên đến Cần Thơ thì có một món gọi là Hủ tiếu hấp Thốt Nốt. Hỏi ra nhiều người hoàn toàn không biết hủ tiếu hấp là như thế nào và ăn ra làm sao… Nhiều người thắc mắc: “Hủ tiếu hấp Thốt Nốt có phải cọng Hủ tiếu được làm bằng Thốt Nốt hay không?”  “Không! Hủ tiếu hấp Thốt Nốt hoàn toàn được làm bằng lúa gạo và có xuất xứ từ huyện Thốt Nốt của tỉnh cần Thơ.”. Vì vậy, điểm nhấn chính của chúng tôi là “đi sâu, đi tận gốc, tận rễ”… tìm tới những món ngon của từng vùng miền để giới thiệu đến thực khách. Và tôi nghĩ rằng, việc gắn địa phương với từng món ăn ngon sẽ tạo nên sự thu hút hấp dẫn, giúp thực khách có thể đi du lịch thông qua những món ăn khi đến tham dự chương trình Lễ hội kỷ niệm 20 năm ẩm thực Khẩn hoang Nam bộ.

Xin cám ơn ông!

Chương trình Lễ hội “Kỷ niệm 20 năm Ẩm thực Khẩn hoang Nam Bộ - Hạt Lúa Quê Tôi” được tổ chức tại Khu du lịch Bình Quới 1 – Số 1147 đường Bình Quới, Phường 28, Quận Bình Thạnh, TPHCM vào lúc 17g00–21g00 các ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy (07,08/12/2018) và 11g00 –14g00, 17g00 – 21g00 Chủ nhật (09/12/2018).
Bình luận