Nhà văn Lê Văn Thảo – người hiền của văn chương Nam bộ

(VOH) - Văn đàn nước nhà lại phải chịu sự mất mát lớn khi nhà văn Lê Văn Thảo đã qua đời vào sáng 21/10 sau thời gian chống chọi với bệnh tật.

Nhắc đến Lê Văn Thảo, công chúng sẽ nhớ ngay đến một người con của vùng đất Nam bộ - hồn hậu, bình dị và rất đỗi chân thành.

Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 01/10/939 tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Thuở nhỏ ông sống ở Đồng Tháp Mười và Long Xuyên, An Giang. Năm 1962, ông thoát ly vào chiến khu chống Mỹ và bắt đầu viết văn từ năm 1965.

Nhà văn Lê Văn Thảo từng giữ vai trò Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa bảy (2005-2010), Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM khóa tư và  năm (2000-2010), Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM. Qua những tác phẩm của mình, qua cách sống của mình, nhà văn Lê Văn Thảo có tầm ảnh hưởng lớn đến văn học nước nhà cũng như lớp nhà văn kế thừa.

Nhà thơ Phan Hoàng – Phó chủ tịch Hội nhà văn TP chia sẻ cảm xúc của mình về bậc đại thụ văn học: “Nhà văn Lê Văn Thảo không chỉ là tài năng văn chương mà còn là nhân cách sống đáng quí trọng. Là một trong những cây bút, cây đại thụ của văn học Nam bộ thế kỉ 20. Anh để lại rất nhiều dấu ấn về văn chương về ngôn ngữ văn học.

Xuất thân trong gia đình trí thức, nhiều anh em hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn nghệ, được đào tạo được dạy dỗ rất bài bản. Anh gắn liền với đời sống văn học thành phố, Nam bộ trong hơn nửa thế kỉ qua. Đặc biệt anh lo lắng, chăm sóc cho thế hệ, đội ngũ nhà văn trẻ. Do đó được rất nhiều anh em quí mến. Anh Thảo rất hiền lành, có nội lực văn chương và cá tình sống rất riêng. Đó không chỉ là tấm gương trong văn học mà còn trong đời sống”.

Người con của vùng nước miền Tây hiền hòa Lê Văn Thảo tham gia Cách mạng từ sớm, phản ánh chân thật những năm tháng kháng chiến vào trong trang văn của mình. Khi đất nước hòa bình, ông cũng đã bắt kịp với đời sống văn chương trong thời kì đổi mới. Các nhân vật trong tác phẩm của ông là những mảnh đời thầm lặng, nhẫn nại, hy sinh nhưng trong đó phản ánh được đời sống xã hội đa chiều. Là những người kiên trì nhẫn nại, bao dung để thấy rằng cuộc đời luôn đẹp, luôn tươi, luôn lạc quan.

Nói về nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Lê Thiếu Nhơn bày tỏ lòng kính trọng với bậc tiền bối: “Nhà văn Lê Văn Thảo là một nhân vật cầm bút mà tác phẩm của ông đã đẩy lùi hết mọi trở ngại về tuổi tác, về bút phát và cả về xu hướng để định hình một gương mặt văn chương Nam bộ rất đặc sắc. Sở dĩ tôi nói thế vì thế hệ của anh Lê Văn Thảo là thế hệ những nhà văn đi kháng chiến, những tác phẩm đi kháng chiến của các tác giả thì phân biệt rất rõ ràng giữa địch – ta”.  

Nhà văn Lê Thiếu Nhơn chia sẻ, sau khi đất nước thống nhất, nhà văn Lê Văn Thảo đã nhìn ra được con đường của mình. Đó là viết về chính những số phận, những con người rất lặng lẽ. Một trong những tác phẩm làm thay đổi con đường viết văn của mình là Làng lở vào năm 1991. Sau Làng lở thì hàng loạt những tác phẩm đi theo con đường riêng của anh Thảo đã ra đời như Ông cá Hô, Tìm chồng cho má, Một ngày và một đời, Lên núi thả mây, hay đứa con trở về... là những tành tựu của truyện ngắn, của tiểu thuyết miền Nam trong giai đoạn 20 năm trở lại đây.

Người sao – văn vậy, có lẽ vậy mà văn của ông không nhiều lí lẽ triết lí mà chân thật, hồn hậu như chính bản tính của vùng đất phương nam trong ông. Nhà văn Lê Quang Trang - người từng cùng nhà văn Lê Văn Thảo có những năm tháng cùng kề vai sát cánh trong kháng chiến nói: “Anh Thảo là người của văn xuôi, anh là người đi tìm cốt truyện và chi tiết. Điều đó chi phối suốt sự nghiệp của anh. Bao giờ anh cũng có chuyện, có tình tiết sinh động, ngay cả những chuyện có vẻ như ít gây cấn nhưng Lê Văn Thảo vẫn có cách lựa chọn sáng tạo cho mình. Điều này cực kì quan trọng, là bài học cho tất cả chúng ta. Anh Thảo viết theo kiểu truyền thống nhưng đọc không thấy cũ. Đặc biệt những tác phẩm về cuối như 2 tác phẩm quan trọng là Một ngày và một đời và tiểu thuyết Cơn giông được giải thưởng ASEAN thì thấy anh Thảo là người không bị tụt hậu với thời cuộc”.

Không tô vẽ màu mè mà bằng một sức viết bền bỉ với giọng văn Nam bộ gần gũi mộc mạc, văn của ông là những nét tỉ mỉ mà chỉ có cảm mới thấu được cái tình, cái hồn trong từng tác phẩm. Một Con đường xuyên rừng đầy ám ảnh, một ông già vô danh của Sóng nước Vàm Nao đã đưa người đọc đến với tình đất tình người miệt sông nước, để thấy “bài học tiên mà thế hệ tôi dấn thân vào con đường cách Mạng đó là quần chúng lao động nghèo khổ không chỉ là cội nguồn của sức mạnh, của sức chịu đựng, hy sinh mà còn là gốc rễ của đạo đức” (Lê Văn Thảo).

Là người không ngừng nghỉ trong văn chương, càng viết càng hay, càng mới, ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho văn học và bồi dưỡng lớp thế hệ nhà văn kế thừa. Nhà văn Lê Văn Thảo sống một cuộc đời dung dị, khiêm tốn nhưng là người đã thiết kế những bản văn chương lớn lao từ những điều nhỏ bé và luôn truyền cảm hứng tích cực, lạc quan đến các thế hệ tương lai.