Qui trình tuyển chọn cung nữ thời phong kiến như thế nào?

(VOH) - Với ánh mắt tinh tường và cực kỳ khắt khe, thái giám sẽ quan sát và soi rất kỹ từng chi tiết nhỏ trên khuôn mặt cũng như trên cơ thể của từng cô gái như tóc, tai, mắt, mũi, miệng, trán...

Trong các triều đại thời phong kiến ​​trong lịch sử Trung Quốc, có hai chức quan gồm thái giám và cung nữ. Như chúng ta đã biết, thái giám khi được tuyển vào trong cung đề hầu hạ Nhà vua phải trải qua quá trình tịnh thân, tức cắt bỏ bộ phận sinh dục, vô cùng đau đớn; còn với cung nữ, họ phải trải qua quá trình như thế nào để được tuyển vào trong cung?

Theo ghi chép của sử sách, các cung nữ khi vào cung đều phải trải qua những đợt kiểm tra nghiêm ngặt nhất. Đầu tiên, hàng ngàn người đẹp đến từ những nơi xa xôi sẽ tập trung tại kinh thành, sau vòng sơ tuyển, những người không đạt sẽ bị loại, những người vượt qua được vòng sơ tuyển sẽ tiếp tục vào vòng trong với mỗi đợt 100 người và được phân chia theo tuổi tác, họ sẽ vào cung theo thứ tự để được tuyển chọn.

Các cô gái thời xưa phải trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt mới được làm cung nữ
Các cô gái thời xưa phải trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt mới được làm cung nữ

Thái giám là người giữ trọng trách trong việc tuyển chọn cung nữ, trước hết họ quan sát từ xa rồi lại đến gần để nhìn kỹ từng cô gái, sau đó sẽ chọn ra những người hơi cao, hơi lùn, hơi béo hoặc hơi gầy rồi gom họ lại với nhau để trả về quê nhà. Những người ở lại sẽ tiếp tục được phân nhóm theo độ tuổi và bước vào "vòng tuyển chọn đầu tiên".

Với ánh mắt tinh tường và cực kỳ khắt khe, thái giám sẽ quan sát và soi rất kỹ từng chi tiết nhỏ trên khuôn mặt cũng như trên cơ thể của từng cô gái như tóc, tai, mắt, mũi, miệng, trán, lông mày, cằm, vai, lưng, chân, bàn chân, giọng nói…. Chỉ cần có chi tiết nào nhìn không vừa mắt hoặc nghe không vừa tai, sẽ lập tức "trả hàng" ngay tại chỗ.

Trong  "vòng tuyển chọn thứ 2", thái giám sẽ dùng thước để đo kích thước tay, chân và eo của các cô gái, sau đó yêu cầu họ đi lại để quan sát dáng đi. Người nào không đạt yêu cầu về kích cỡ hoặc "phụ tùng" không cân xứng, không có thần thái hoặc phong thái kém sang sẽ bị trả về.

"Vòng tuyển chọn thứ 3" do các 'nữ quan' (cung nữ có địa vị trong cung) và các cung nữ lớn tuổi phụ trách tiến hành. Tại vòng này, các cô gái dự tuyển sẽ lần lượt từng người một bước vào căn phòng bí mật, họ sẽ cởi hết quần áo để các nữ quan và cung nữ lớn tuổi sờ ngực, kiểm tra vùng kín, ngửi mùi cơ thể và kiểm tra làn da... Những người đủ tiêu chuẩn sẽ được đào tạo ở trong cung trong khoảng thời gian một tháng.

Trong quá trình làm quen với các quy tắc và lễ nghi ở trong cung, các nữ quan phụ trách việc đào tạo sẽ kiểm tra trí thông minh, tính cách và tác phong của những cô gái này. Tất nhiên, những người có biểu hiện ngủ nghiến, nói mớ hoặc đánh rắm khi đang ngủ hoặc mắc chứng cuồng loạn sẽ không được giữ lại vì có thể gây kinh động đến người bên cạnh. Sau hàng loạt các bước sàng lọc và tuyển chọn kỹ lưỡng, những cô gái "tinh hoa" được giữ lại chỉ khoảng vài chục người.

Cung tần của nhà vua được chia thành nhiều cấp bậc
Cung tần của nhà vua thời phong kiến ở Trung Quốc được chia thành nhiều cấp bậc

"Vòng tuyển chọn cuối cùng" thường do Thái hậu phụ trách, đôi khi do đích thân Nhà vua tuyển chọn. Tại vòng tuyển chọn mang tính quyết định này, dựa vào danh sách được đặt trên chiếc bàn ở trước mặt, Thái hậu hoặc Nhà vua sẽ lần lượt cho gọi từng cô gái trong nhóm "tinh hoa" vào gặp mặt. Những người được gọi vào sẽ đứng trả lời một số câu hỏi liên quan đến tên họ, tình trạng gia đình và trình độ học vấn.

Qua đó, các "giám khảo" sẽ có nhận xét về vóc dáng và giọng nói của từng người, từ đó chọn ra một hoàng hậu, một phi tần hoặc một số phi tần. Số còn lại sẽ ban tặng cho các hoàng thân, quận vương, hoàng tử, hoàng tôn hoặc giữ lại trong cung làm 'nữ quan' hoặc cung nữ.

Vào thời nhà Minh, trong nội cung có "6 cục" do các nữ quan cai quản, mỗi cục gồm "4 ty". Số lượng các nữ quan trong cung có khoảng hơn 100 người, họ là "lực lượng dự bị" cho vị trí thê thiếp của Nhà vua.

Tin liên quan