Rằm tháng Giêng là 1 trong 4 ngày rằm quan trọng trong năm
Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Thượng Nguyên hay Tết Nguyên tiêu - rơi vào đêm trăng tròn đầu tiên trong năm mới theo Âm lịch. Đây là 1 trong 4 ngày rằm quan trọng trong năm mà người Việt thường làm lễ cúng thật chu đáo.
Tết Nguyên tiêu có nguồn gốc từ Trung Quốc - là đêm rằm đầu tiên của một năm mới. Khác với Rằm tháng Tư (Phật đản) và Rằm tháng Bảy (Vu lan) hay Rằm tháng Tám (Trung Thu), Tết Thượng tiêu được xem là ngày tết hướng thiên cầu phúc, cầu một năm mới bình an, hạnh phúc, no đủ.
Ngoài ra, tháng Giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu. Trong những ngày này mọi người cúng bánh trôi.
Rằm tháng Giêng cũng là một trong những ngày lễ thiêng liêng, quan trọng nhất vào đầu năm mới tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines… Vào ngày này, mọi nhà thường bày mâm cỗ cúng bái, thực hiện những nghi thức truyền thống để mong cả năm gặp may mắn, bình an, sung túc.
Cúng Rằm tháng Giêng như thế nào?
Năm nay, ngày Rằm tháng Giêng rơi vào ngày 19/2/2019 dương lịch. Các khung giờ hoàng đạo trong ngày này gồm: Tân Sửu (1h-3h), Giáp Thìn (7h-9h), Bính Ngọ (11h-13h), Đinh Mùi (13h-15h), Canh Tuất (19h-21h), Tân Hợi (21h-23h).
Vào Rằm tháng Giêng, các gia đình thường sắm 2 lễ, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên. Cúng rằm tháng Giêng 2019 tốt nhất là vào giờ Ngọ
Trên ban thờ Phật là lễ cúng chay và lễ cúng mặn trên ban thờ gia tiên. Nếu chủ nhà không có bàn thờ Phật thì chỉ một mâm cúng gia tiên là đủ. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên Tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Thời gian cúng rằm tháng Giêng 2019 tốt nhất là vào giờ Ngọ, tức từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Dân gian tin rằng đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.
Trong dân gian, Rằm tháng Giêng hiểu một cách đơn giản là ngày Rằm lớn. Ngày này có 3 lễ cúng: Một là lễ cúng khởi năm đón lộc cầu may. Hai là Tết ăn lại (Tết bù) cho nhà nào dịp Tết Nguyên đán có người đau yếu, tang ma không kịp ăn Tết, nay khỏe mạnh trở lại, mọi người thư thả thì ăn bù, đi chúc Tết lại nhau một cách cởi mở, không phải kiêng khem gì. Lễ thứ 3 là cúng sao giải hạn.