4 cách 'đảo nhiệt' hiệu ứng 'đảo nhiệt đô thị'

(VOH) - Do ảnh hưởng bởi hiệu ứng 'đảo nhiệt đô thị', nhiệt độ tại trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM tăng cao hơn nhiều so với khu vực lân cận. Vậy làm sao để giảm ảnh hưởng hiện tượng này?

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, các tỉnh miền Bắc và Trung bộ sẽ hứng chịu đợt nắng nóng vô cùng gay gắt. Tại Hà Nội, nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C. Theo Accuweather, nhiệt độ ngoài trời tại Hà Nội có thời điểm lên tới 46 độ C – cao hơn nhiều so với khu vực lân cận.

Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và đang gây ra tác động ngày càng lớn đến các đô thị nói chung.

đảo nhiệt đô thị, nắng nóng

Hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” khiến trung tâm thành phố Hà Nội luôn nóng bỏng hơn trong những ngày nắng nóng (Ảnh: LĐO)

Khi các thành phố mở rộng, thảm thực vật bị mất đi và bề mặt đô thị được phủ bằng các con đường bê tông và các tòa nhà đồ sộ. Sự thay đổi trong lớp phủ mặt đất dẫn đến mất dần cây xanh, giảm bóng râm và độ ẩm – những yếu tố quan trọng để giữ cho khu vực đô thị mát mẻ; hơi nước bốc lên ít hơn, góp phần làm tăng nhiệt độ bề mặt và không khí.

Các vật liệu xây dựng (xi măng, đá, sắt thép, kính…) cũng phản xạ mặt trời, phát xạ nhiệt và công suất nhiệt khiến nhiệt độ tăng cao. Điều này góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng vào mùa hè, tăng chi phí điều hòa không khí, ô nhiễm không khí và khí thải nhà kính, gia tăng các ca bệnh và tử vong liên quan đến nhiệt độ cao.

Để hạn chế những tác động tiêu cực từ hiện tượng đảo nhiệt đô thị, trồng nhiều cây xanh là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, khi diện tích mặt đất ngày càng thu hẹp thì các đô thị buộc phải dùng nhiều giải pháp khác nhau bên cạnh việc trồng cây xanh.

1. Tăng độ che phủ của cây xanh và thảm thực vật trên mặt đất

Cây cối và thảm thực vật phong phú sẽ giúp giảm nhiệt độ bề mặt mặt đất và không khí bằng cách cung cấp bóng râm và làm mát thông qua sự thoát hơi nước. Cây lấy nước từ mặt đất qua rễ và trữ nước trong thân và lá.

Nước sau đó di chuyển đến các lỗ nhỏ ở mặt dưới của lá. Ở đó, nước biến thành hơi nước và thoát ra không khí. Quá trình này được gọi là thoát hơi nước và nó hoạt động như máy điều hòa không khí tự nhiên.

 

Cây cối và thảm thực vật cũng có thể làm giảm dòng nước mưa và chống xói mòn.

>>> Tại sao nên trồng nhiều cây xanh hơn trồng hoa?

>>> Muốn Sài Gòn bớt nóng, bớt bụi, bớt ngột ngạt chỉ còn cách trồng nhiều cây xanh

2. Kiến tạo mái nhà xanh

Mái nhà xanh còn được gọi là vườn trên mái nhà hay mái nhà sinh thái được hiểu là trồng một lớp thực vật (cây, cây bụi, cỏ, rau xanh hoặc cây bóng mát) trên sân thượng các tòa nhà để giảm nhiệt độ bề mặt mái và không khí xung quanh, đồng thời cải thiện việc quản lý nước mưa.

Một nghiên cứu ở Los Angeles, California tính toán rằng những thay đổi như thế này trên nóc các tòa nhà sẽ có thể tiết kiệm gần 100 triệu đô la mỗi năm cho chi phí năng lượng.

đảo nhiệt đô thị, nắng nóng

Kiểu mái nhà sinh thái đã được triển khai trên đỉnh Tòa thị chính của Chicago, giúp bù đắp hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

3. Sơn trắng các tòa nhà

Tại các thành phố, vỉa hè, đường phố, bãi đỗ xe và nhà cao tầng thường được tạo thành từ các vật liệu như xi măng, nhựa đường, gạch, kính, thép... Các vật liệu này thường có màu đậm như màu đen, nâu và xám – những màu hấp thụ nhiệt từ mặt trời và khiến bản thân đường xá, các tòa nhà tăng nhiệt khi trời nắng nóng. Như vậy nếu tòa nhà được sơn màu trắng thì có thể phản xạ được ánh sáng, nhiệt độ của tòa nhà không tăng lên quá nhiều.

Để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, không ít thành phố đã kêu gọi chủ các tòa nhà phủ lớp sơn trắng cho mái và bên ngoài tòa nhà để phản xạ ánh sáng mặt trời, làm giảm nhiệt độ mái nhà, tăng sự thoải mái cho người cư ngụ và giảm nhu cầu năng lượng.

đảo nhiệt đô thị, nắng nóng

Ubrique với những căn nhà sơn trắng (Ảnh: Belcori)

Ubrique - một thành phố ở Andalusia (Tây Ban Nha) có biệt danh là "thành phố trắng" khi khoảng 1.500 đô thị và làng mạc ở đây được sơn màu trắng do thời tiết mùa hè rất nóng và khô. Người dân thường sơn trắng những ngôi nhà để phản xạ ánh sáng mặt trời tốt hơn, giữ mát cho không gian bên trong ngôi nhà.

4. Làm mặt đường, vỉa hè sáng sủa, thấm nước

Để hạ nhiệt hiện tượng “đảo nhiệt đô thị”, một số thành phố đã “làm sáng đường phố” bằng cách phủ lên những con đường nhựa đen, bãi đỗ xe một lớp phủ màu xám để phản chiếu ánh sáng tốt hơn. Những thay đổi này có thể làm giảm đáng kể nhiệt độ không khí đô thị, đặc biệt là trong mùa hè nóng bức.

Một con đường ở Los Angeles được sơn trắng để nhiệt độ trở nên mát mẻ hơn (Ảnh: ARC Development)

Ngoài ra, sử dụng vật liệu bê tông thấm nước để lát vỉa hè cũng là một trong những giải pháp để “làm mát” thành phố bởi việc tăng diện tích thấm nước vừa giải quyết được vấn đề mưa ngập, vừa tăng diện tích cho đất “thở”, giảm diện tích phản xạ nhiệt và giảm nhiệt thành phố.

Khi đó, nước mưa có thể chảy qua bề mặt thấm nước và ngấm xuống đất, giảm tỷ lệ nước chảy ra cống và thoát ra sông, biển. Ngoài ra khi nước thấm qua một viên gạch, bê tông thấm nước sẽ tạo ra một chu kỳ nước chảy và bay hơi, làm mát không khí.

Dự báo thời tiết 10 ngày tới (24/6 - 3/7): Bắc Bộ tạm thời giảm nhiệt, Trung Bộ còn nắng cháy da - Dự báo thời tiết 10 ngày tới (24/6 - 3/7), Bắc Bộ tạm thời giảm nhiệt nhờ mưa dông, sau chuyển sang nắng nóng. Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng kéo dài với nền nhiệt có nơi trên 40 độ C.

Sông băng ở Chile tan chảy đe dọa đa dạng sinh học biển - Những dòng sông băng tại vùng Patagonia ở Chile tan chảy do biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học, số lượng và chất lượng các loài sinh vật biển.