Hiện chưa có một nghiên cứu nào về lợi ích của việc đưa trẻ đi thăm các viện bảo tàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tham quan bảo tàng, triển lãm có thể mang đến cho trẻ những trải nghiệm học tập đáng nhớ, kích thích trí tưởng tượng về thế giới…
Bảo tàng cũng là môi trường giáo dục phong phú giúp cho trẻ em khám phá những điều mới mẻ. Dưới đây là một số lợi ích dễ thấy được khi cha mẹ cho trẻ đi thăm viện bảo tàng.
1. Khuyến khích tình yêu lịch sử
Bảo tàng là nơi lưu giữ lịch sử, cũng là nơi cung cấp nhiều chỉ dấu kết nối các thời điểm lịch sử khác nhau – những điều thường thiếu trong các giờ học thông thường. Điều này sẽ kích thích sự tò mò của trẻ cũng như tăng cảm giác yêu thích đối với môn lịch sử.
Dù các bậc cha mẹ đưa trẻ đến bảo tàng hay triển lãm thì những thông tin thu thập được ở đây sẽ tạo ra một tác động lớn trong suy nghĩ của trẻ về sự chuyển dịch của lịch sử và khả năng của con người.
Trẻ em tham quan Bảo tàng Lịch sử (TPHCM) (Ảnh: LH)
Theo arts.gov, khi cha mẹ và ông bà đưa trẻ đến bảo tàng, họ sẽ cùng trẻ chia sẻ, trao đổi về các đồ vật, hình ảnh yêu thích hay các sự kiện lịch sử liên quan. Đây không chỉ là khoảng thời gian thú vị mà còn là cách học tập cuốn hút, tạo được sự quan tâm đặc biệt của trẻ đối với lịch sử, nghệ thuật và khoa học.
2. Biết thêm nhiều câu chuyện chưa từng được kể
Trẻ có thể đọc nhiều câu chuyện trong sách, có thể tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng nhưng có những câu chuyện trẻ chỉ có thể biết được khi trải nghiệm, tiếp xúc và tìm hiểu thông tin về các đồ vật, hình ảnh thú vị tại bảo tàng. Chẳng hạn, đến Bảo tàng Hồ Chí Minh trẻ có thêm hiểu biết sinh động về quê hương, cuộc sống và hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những bảo vật tại Bảo tàng lịch sử lại cho trẻ thấy được sự tiến hóa của con người và lịch sử đất nước qua từng thời kỳ; bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cho trẻ thấy được cuộc sống của người TPHCM, người dân Nam Bộ từ xa xưa; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh lại cho trẻ cảm nhận về sự dữ dội, khốc liệt của chiến tranh và tạo được sự đồng cảm của trẻ với bạn cùng trang lứa không may bị dị tật do nhiễm chất độc da cam…
3. Phát triển tư duy so sánh và đối chiếu
Bảo tàng cung cấp cơ hội cho trẻ em được so sánh và đối chiếu sự thay đổi, phát triển của con người, khoa học trong các thời kì lịch sử, đồng thời giúp trẻ có tư duy nhận định tốt hơn về mọi thứ xung quanh.
Chẳng hạn, nếu đi Bảo tàng Mỹ thuật, trẻ sẽ được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm nghệ thuật với phong cách khác nhau – từ đó nhận biết được sự khác biệt của từng phong cách nghệ thuật, cũng như cách phối màu, sắc màu, cách thể hiện của họa sĩ. Trẻ em khá nhạy cảm và tinh tế nên chúng nắm bắt khá nhanh về những điều thực sự mới mẻ và pha chút hàn lâm này.
4. Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi
Tham quan bảo tàng tạo điều kiện cho trẻ "tò mò" và tìm cách giải đáp sự tò mò của mình thông qua các câu hỏi, các chú dẫn được ghi trong bảo tàng.
Một số câu hỏi có câu trả lời, một số câu sẽ khiến cha mẹ vắt óc suy nghĩ, cũng có câu hỏi khó có câu trả lời, thậm chí là có cả các câu hỏi ngớ ngẩn. Tất cả những câu hỏi này nên được khuyến khích và đừng lo lắng nếu cha mẹ không biết câu trả lời, hãy khuyến khích trẻ hỏi nhân viên bảo tàng để tìm đáp án hoặc hãy để trẻ tự suy luận hoặc “khơi mào” một cuộc tranh luận giữa những đứa trẻ…
Điều này có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng tư duy phê phán và sáng tạo cao hơn – điều không thể thiếu cho thành công trong tương lai.
Một em bé đang xem bộ xương cá heo tại Bảo tàng Quảng Ninh (Ảnh: LH)
5. Tăng cường phát triển ngôn ngữ
Các chuyến thăm bảo tàng có thể giúp trẻ tăng vốn từ vựng. Mặc dù, nhiều đồ vật, hình ảnh trưng bày trẻ chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ nghe tên nhưng chúng hoàn toàn có thể nhớ được nhờ những trải nghiệm tham quan, tìm hiểu.
Ngoài ra, việc trao đổi của trẻ với cha mẹ, hoặc với anh chị em khi thăm quan bảo tàng sẽ giúp trẻ nắm bắt được những khái niệm mới và trau dồi được vốn từ vựng tốt hơn.
6. Bảo tàng truyền cảm hứng
Khi trẻ bước vào một bảo tàng chứa bộ xương của một con vật cao hơn ngôi nhà và đã biến mất khỏi hành tinh này cả triệu năm, tâm trí của trẻ sẽ bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi. Khi trẻ bước vào một bảo tàng có đài thiên văn và các chương trình trình chiếu về hệ mặt trời… tâm trí chúng lại bắt đầu mơ về bầu trời đêm.
Các bảo tàng luôn biết cách truyền cảm hứng không chỉ cho người lớn mà còn truyền cảm hứng tưởng tượng, sáng tạo cho những đứa trẻ, để chúng tự hỏi, khám phá thế giới và nghĩ tới cả những khả năng vượt ra khỏi tầm hiểu biết của chúng.
7. Tạo cơ hội học tập
Bằng cách khuyến khích con chơi và tham quan bảo tàng, cha mẹ đã giúp trẻ có cơ hội học tập, phát triển tư duy và khám phá thế giới quanh mình. Sự tiếp xúc độc đáo này cũng cấp kĩ năng nền tảng cho sự sáng tạo, tư duy phê phán và kết nối với thế giới xung quanh.
Ngoài ra, đưa trẻ đến bảo tàng còn cho trẻ thấy một điều rằng, cả trẻ - cha mẹ - những người lớn khác vẫn luôn tích cực tìm hiểu, học hỏi và mọi người đều bình đẳng khi tìm hiểu, học hỏi và khám phá thế giới xung quanh.
Đó là chưa kể tới việc, mỗi bảo tàng có một chủ đề khác nhau và mỗi chuyến đi, trẻ sẽ học thêm nhiều điều; từ những đồ vật, hình ảnh dù mờ nhạt hay rạn vỡ, cũ kĩ – thì cũng là một thế giới mới mà trẻ hiếm khi được thấy mỗi ngày.