Cơ quan hàng không vũ trụ của Ấn Độ đã hủy bỏ việc khởi động sứ mệnh mặt trăng thứ hai của họ chưa đầy một giờ trước khi phóng vào sớm ngày 15/7 do "sự cố kỹ thuật" trong phương tiện phóng.
"Việc khởi động Chandrayaan-2 đã bị hoãn trong ngày hôm nay như một biện pháp phòng ngừa", Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) viết trên Twitter của mình. "Lần phóng kế tiếp sẽ được công bố sau".
Cơ quan này không cung cấp thêm thông tin chi tiết. ISRO đã lên kế hoạch khởi động chương trình Chandrayaan-2, tiếng Phạn nghĩa là "phương tiện mặt trăng", tại bãi phóng phía nam ở Sriharikota lúc 2 giờ 51 sáng giờ địa phương.
Chủ tịch ISRO, ông K. Sivan trước đó cho biết sứ mệnh có thể bắt đầu vào ngày 16/7 nếu có bất kỳ sự chậm trễ nào vào ngày 15/7.
Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 nặng bằng máy bay dân dụng thương mại cỡ lớn chở đầy tải trọng (Ảnh: EPA)
Tàu vũ trụ dự kiến sẽ tiến hành hạ cánh nhẹ nhàng ở phía xa của Mặt trăng vào đầu tháng 9 và triển khai một xe tự hành để kiểm tra các khoáng chất chứa nước ở đó. Sứ mệnh Chandrayaan-1 đã xác nhận sự hiện diện của khoáng chất này vào năm 2008.
Nếu sứ mệnh trị giá 10 tỉ rupee (tương đương 146 triệu USD) Chandrayaan-2 thành công, Ấn Độ sẽ cùng với Mỹ, Trung Quốc và Nga trở thành những quốc gia ít ỏi thực hiện thành công cuộc đổ bộ có kiểm soát lên Mặt trăng.
Nỗ lực này được đưa ra sau khi Trung Quốc hạ cánh một tàu thăm dò không người lái ở vùng cực nam của Mặt trăng vào tháng 1 và cuộc đổ bộ thất bại của tàu vũ trụ Israel lên bề mặt Mặt trăng vào tháng 4.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghệ phục vụ cho việc khai thác không gian. Phần lớn các bộ phận trong sứ mệnh Chandrayaan-2 được thiết kế và sản xuất tại Ấn Độ.
ISRO đang lên kế hoạch cho sứ mệnh không gian có người lái đầu tiên vào cuối năm 2022. Ông Modi cũng đã yêu cầu cơ quan này đưa một phi hành gia lên Mặt trăng vào cuối năm đó.