Áp dụng khoa học công nghệ để tạo bước đột phá cho thành phố

(VOH) - Trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, động lực để phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững chính là đổi mới sáng tạo, và hợp tác đổi mới sáng tạo.

Bằng khoa học công nghệ, TPHCM đang cố gắng đưa hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào mọi mặt của đời sống, vào công việc của người dân, vào từng doanh nghiệp; đặc biệt là vào từng sở ban ngành, quận huyện để tạo sự minh bạch, nhanh chóng, tiện lợi cho người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Với quy mô diện tích nhỏ, số dân không nhiều - khoảng 340.000 dân nhưng có đến 47 quốc tịch; trên địa bàn quận 7 hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong năm 2017, Quận 7 đặt mục tiêu sẽ thành lập 4.000 doanh nghiệp mới. Thực tế đặc ra nhiều thách thức trong công tác quản lý doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Giải quyết vấn đề này, quận 7 đã áp dụng công nghệ GIS quản lý hành chính trên nền bản đồ và số định danh là chứng minh nhân dân mỗi người. Đến nay, quận đã có 19 phần mềm ứng dụng cho công tác quản lý hành chính, giám sát được quyền sở hữu nhà của người dân địa phương, vấn đề thờ tự, tôn giáo...

Từ đó, góp phần nâng giá trị sản phẩm dịch vụ tại địa phương, giúp tăng nguồn thu, mỗi năm hơn 3.500 tỷ đồng đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND Quận 7, phân tích: "Chúng tôi xem công nghệ GIS rất quan trọng, quan điểm của tôi trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ là: tư duy bản đồ là một nền tảng trong ngôn ngữ, nói – nhìn – thấy – hiểu thì chúng ta dễ làm hơn là dùng một ngôn ngữ để diễn tả. Chúng tôi mở rộng công nghệ GIS trên cơ sở xác định được vị trí của doanh nghiệp, cán bộ từ quận đến phường am hiểu, dựa trên GIS chúng ta cũng phân loại được ngành nghề thương mại, dịch vụ…từ đó có cơ sở để chúng ta định hướng quản lý nhà nước và định hướng giúp cho người khởi nghiệp ban đầu hình dung được mục tiêu"

Đối với quận 10, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục được lãnh đạo quận rất quan tâm và đã đưa vào nghị quyết hành động. Hoạt động sân chơi đổi mới sáng tạo khoa học kỹ thuật đã được tập trung thực hiện với rất nhiều loại hình như: hội thi sáng tạo, tổ chức liên hoan câu lạc bộ đội nhóm sáng tạo kỹ thuật, liên hoan câu lạc bộ sáng tạo quận 10, ngày hội đến với chân trời khoa học, thành lập câu lạc bộ chuyên nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại các trường…Các hoạt động sáng tạo này đã giúp các em học sinh có được một sân chơi bổ ích, khơi gợi tinh thần đam mê khoa học, định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em; giúp thầy cô giàu thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của mình, rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò. Tuy nhiên, hoạt động đổi mới sáng tạo tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Lê Quang Kỳ, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận 10 bày tỏ: "Sân chơi dành cho khoa học công nghệ chưa nhiều, chưa thật sự thu hút đại đa số học sinh, sinh viên, người dân tham gia tìm tòi, nghiên cứu, thực hiện các sản phẩm sáng tạo; chưa có điều kiện tiếp cận với các công trình khoa học tiên tiến hiện đại nên đa phần sản phẩm đầu ra là những mô hình thiết kế sản phẩm ứng dụng nhỏ, giản đơn. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư hạn chế, giá thành vật liệu cao nên chưa triển khai nhân rộng các mô hình hay, đa phần dừng lại ở giới thiệu, tham quan mô hình. Do dó, kiến nghị dành thêm quỹ đất để tạo sân chơi khoa học công nghệ, không gian đổi mới sáng tạo cho mỗi đối tượng, nên có thêm những buổi thuyết trình, buổi triển lãm thiết bị, mô hình, thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho học tập, vui chơi, giải trí, thương mại tại các quận huyện".

Nhờ quy trình báo động đỏ, khoa Sản - Phụ Khoa và khoa Nhi bệnh viện Xuyên Á, đã phẫu thuật cấp cứu cho thai phụ sinh năm 1992, cứu sống thai nhi 38 tuần tuổi. Ảnh: Nhất Hương

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố thì cho rằng: với đặc thù riêng của ngành, việc nghiên cứu ứng dụng được triển khai nhiều hơn là nghiên cứu sáng tạo. Giá trị của những đổi mới sáng tạo trong ngành y tế không chỉ quy đổi ra giá trị kinh tế mà mang một giá trị cứu người, giá trị nhân văn rất lớn. Chia sẻ về mô hình báo động đỏ được ứng dụng hiệu quả trong thực tế, ông Tăng Chí Thượng kể lại: "Một sản phụ đang trên đường đi đến bệnh viện Hùng Vương, nhưng chỉ mới đi đến gần bệnh viện Thống Nhất thì bị sản giật, phải chuyển vào bệnh viện Thống Nhất, nhưng nơi đây không có khoa sản. Bác sĩ bệnh viện thống nhất chuẩn đoán trường hợp này nếu chuyển đi là chết ngay, do đó, bác sĩ nơi đây sử dụng ngay báo động đỏ. Ngay tức thời, một ê kíp của bệnh viện Hùng Vương trong nháy mắt là có mặt ngay, tiến hành mổ sinh ngay tại bệnh viện Thống Nhất, cứu được cả mẹ lẫn con. Thậy sự đây là sáng tạo, không có một quy định nào về chuyện này, mà chỉ xuất phát từ thực tiễn. Và quy định báo động đỏ này đã được Bộ y tế đưa vào tiêu chí Quốc gia".

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM mở đầu câu chuyện của mình bằng hình ảnh trái hồng Đà Lạt; thông thường với sản phẩm trái hồng sấy khô sẽ có giá trị đạt khoảng 180.000 đồng/1 ký; nhưng khi sử dụng công nghệ sấy gió, tạo nên quả hồng dẻo, giá trị đã lên khoảng 400.000 đồng/1 ký. Chỉ bằng một sự thay đổi công nghệ giá trị sản phẩm tăng lên gần gấp 3. Không chỉ thế, các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bằng công nghệ cũ sẽ gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh và tồn tại. Điều này cho thấy giá trị của công nghệ mới là rất lớn, tạo được sản phẩm mới, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.

Sự đổi mới sáng tạo không phải là vấn đề gì to lớn, đôi khi nó chỉ là những thay đổi trong mô hình, phương thức kinh doanh… ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ: "Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo rất giản dị, không có gì cao xa mà hoàn toàn có thể bắt đầu từ các nhóm cộng đồng ở các quận huyện của chúng ta; tư duy chỉ cần thay đổi để tạo ra một sản phẩm mới, hay thay đổi một mô hình kinh doanh, thay đổi cách thức, chuyển giao công nghệ hoặc giúp một doanh nghiệp nâng cao năng suất…chính là câu chuyện mà không gian sáng tạo sẽ àm trong tương lai. Đổi mới sáng tạo không phức tạp như những gì chúng ta nghĩ là cái gì to tác mà bắt nguồn từ ngay các công ty, những nhà máy, những shop rất nhỏ của chúng ta".

Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là một trọng điểm chiến lược để TPHCM xây dựng đô thị thông minh, lấy chính quyền điện tử làm trung tâm; đưa Thành phố trở thành trung tâm kinh tế và khởi nghiệp đứng đầu Châu Á. Với nền tảng cơ sở hạ tầng vững mạnh, lực lượng lao động trẻ chất lượng cao cùng với quyết tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương, Thành phố hội tụ đủ những thành tố quyết định để thực hiện mục tiêu này. Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đang xây dựng mô hình “ Không gian đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp tại cơ sở” để nhân rộng các thành tựu khoa học công nghệ, liên kết những sáng tạo, tạo bước đột phá cho thành phố.