Báo cáo tại hội nghị Tổng kết công tác giáo dục đặc biệt năm học 2017-2018 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2018-2019, diễn ra chiều 25/10, cho thấy áp lực sỉ số hiện đang là một khó khăn trong công tác giáo dục đặc biệt.
Thành phố hiện có 21 trường chuyên biệt và 10 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hướng nghiệp với gần 3.000 học sinh đang tham gia học tập. Ngoài ra, có hơn 4.800 học sinh đang học hoà nhập tại hơn 700 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Học sinh trường chuyên biệt tự tin biểu diễn văn nghệ
Trong năm qua, chương trình can thiệp sớm với sự phối hợp các quận huyện, giữa giáo dục và y tế đã phát hiện được 150 trẻ ở trường mầm non có các rối loạn, khuyết tật... Thông qua công tác can thiệp sớm đã giúp phụ huynh thay đổi cách nhìn, tạo sự gắn bó và đồng bộ giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình và nhà trường, mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn. Bà Hoàng Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Giáo dục Chuyên biệt Thảo Điềm, Quận 2, đơn vị vận dụng chương trình khung vào vào việc dạy kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật trí tuệ, nêu thực tế: "Việc hỗ trợ của phụ huynh rất quan trọng. Khi phụ huynh đồng ý phối hợp thực hiện thì thuận lợi vì không ai thương con bằng chính cha mẹ, cũng không ai hiểu con bằng chính cha mẹ. Phụ huynh đưa ra quyết định chính, nhà trường chỉ ở vai trò hỗ trợ tư vấn và khuyến khích, nhưng tôn trọng quyết định của phụ huynh"
Lãnh đạo Sở GD& ĐT trao tặng giấy khen cho các đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục hoà nhập và giáo dục chuyên biệt năm học 2017-2018
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục đặc biệt hiện vẫn phải đối mặt với một số khó khăn như thiếu hụt nhân sự có chuyên môn, số liệu giữa các cơ quan ban ngành chưa đồng bộ, chính sách chế độ trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí cho học sinh khuyết tật và phụ cấp cho giáo viên dạy khuyết tật hoà nhập chưa xác định.
Đặc biệt, trong điều kiện số học sinh khuyết tật hoà nhập ngày càng tăng, nên áp lực về sỉ số và cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu chổ học. Điều kiện phục vụ cho từng dạng tật như thiết bị dạy học, phương tiện sinh hoạt, phòng hỗ trợ hoà nhập chưa đảm bảo.
Vì vậy, Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị lãnh đạo các phòng giáo dục quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất của các trường: "Trong năm học vừa rồi Quận 8, Quận 9 đã quan tâm xây dựng 2 trung tâm phát triển hỗ trợ giáo dục hoà nhập. Rất mong các đồng chí xúc tiến nhanh để các quận có một trung tâm hỗ trợ cho các trường mầm non, phổ thông, có sự hỗ trợ đến giáo viên. Làm sao cho chất lượng giáo dục các em học sinh khuyết tật được học hoà nhập nâng lên, tạo được niềm tin cho xã hội" .