Bác sĩ gia đình - Một trong những giải pháp giảm tải bệnh viện

(VOH) - Ngày 18/11, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức hội nghị quốc tế lần 1 với chuyên đề “Bác sĩ gia đình trong kinh tế y tế và giải quyết quá tải bệnh viện”.

PGS-TS.BS Ngô Minh Xuân phát biểu tại Hội nghị quốc tế bác sĩ gia đình. Ảnh: Nhất Hương

Tại TPHCM, sau 2 năm triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo Quyết định của Ủy ban Nhân dân TP, đã có 224 phòng khám bác sĩ gia đình tại 20/23 bệnh viện quận, huyện, trong đó mỗi phòng khám bác sĩ gia đình có từ 1 đến 4 bàn khám, do bác sĩ được đào tạo chuyên môn về y học gia đình phụ trách. Ở tuyến cơ sở, hiện có 191 trạm y tế phường, xã đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình, ngoài ra còn có 6 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và 7 phòng khám bác sĩ gia đình nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân.

Liên quan đến công tác đào tạo bác sĩ gia đình, thời gian qua, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch - cơ sở y tế đảm nhận giảng dạy, đào tạo bác sĩ gia đình cho hệ thống y tế TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa bác sĩ hỗ trợ, tạo chân rết xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình tại TP.

"Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch dù mới thành lập 5 năm nhưng bộ môn y học gia đình dưới sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia đến từ Bỉ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong đào tạo nhân lực cũng như triển khai phòng khám bác sĩ gia đình ra một số bệnh viện trong Thành phố. Như vậy, y học gia đình là chìa khóa để cùng lúc giải quyết 2 vấn đề giảm chi phí y tế và giảm quá tải bệnh viện", PGS-TS.BS Ngô Minh Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.

Đánh giá cao hiệu quả từ mô hình này mang lại trong chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố, Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân TP Nguyễn Thị Thu khẳng định vai trò thiết yếu của mạng lưới này: "Người dân ngày càng có nhu cầu cung ứng dịch vụ y tế, chống quá tải bệnh viện nghĩa là giảm cung cấp dịch vụ y tế ở bệnh viện thì phải cung cấp dịch vụ y tế ở cộng đồng, đó là vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới bác sĩ gia đình. Xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình là biện pháp căn cơ nhất để giải quyết tình trạng này, đây vẫn còn là vấn đề mới cần nhìn lại, nghiên cứu thực hiện để từng bước hoàn thiện và áp dụng".

"Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện, liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải tuyến trên, góp phần thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân", PGS.TS.BS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nếu phát triển thành công mô hình bác sĩ gia đình sẽ mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực trong hệ thống y tế.

Bác sĩ gia đình - một mô hình mà y tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang đẩy mạnh nhằm tăng độ bao phủ trong chăm sóc sức khỏe toàn dân cũng như góp phần thực hiện chủ trương lớn của Bộ Y tế đưa y tế gần dân, y tế đến dân.