Bài 2: Gắn nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo

(VOH) - Trong điều kiện còn khó khăn của giáo dục đại học nói chung, nhiều trường đã bắt đầu đẩy mạnh phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học bằng nhiều hình thức đa dạng.

Các hoạt động này đều nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ học tập, gắn lý thuyết với thực tiễn từ các môn học trong chương trình đào tạo; Rèn luyện phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp làm việc nhóm và nâng cao năng lực tự học cho sinh viên. Thông qua đó, chính hoạt động nghiên cứu trong sinh viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, để các trường phát triển và bồi dưỡng tài năng trẻ nghiên cứu khoa học.

nghiên cứu khoa học, sinh viên, đổi mới sáng tạo

Ảnh minh họa: GD&TĐ

Tại các trường, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học có thể kể đến là các cuộc thi, giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp Khoa, Viện đào tạo. Thứ hai, các giải thưởng nghiên cứu khoa học do Đoàn, Hội Trường tổ chức. Tiếp theo là các giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Thành – Eureka, cấp Bộ, cấp quốc gia…

Chỉ tính riêng năm học 2018 – 2019, trường Đại học Công nghệ TPHCM có hơn 300 đề tài đăng ký với hơn 800 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Vì là trường đa ngành nên các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên khá đa dạng và thuộc nhiều lĩnh vực khoa học. Vừa qua, trường đạt được 1 giải Nhất; 03 giải Nhì; 02 giải Ba; 04 giải khuyến khích tại giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2018.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng Phòng Tư vấn – Tuyển sinh – Truyền thông, trường Đại học Công nghệ TP cho hay, với những đề tài, ý tưởng sáng tạo của sinh viên, Trường hỗ trợ kinh phí để sinh viên thực hiện. 

“Đối với các đề tài của sinh viên đạt tiêu chí về nghiên cứu khoa học, do Hội đồng nhà trường lựa chọn hàng năm sẽ nhận được các suất tài trợ. Các mức của suất tài trợ này được xem xét tùy theo quy mô, tính chất của đề tài. Theo định hướng chung, trường sẽ đẩy mạnh phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, chú trọng tính mới, tính sáng tạo, có giá trị khoa học và thực tiễn. Đặc biệt là những đề tài nghiên cứu khoa học trực tiếp hướng đến việc triển khai ứng dụng trong thực tiễn và phục vụ cộng đồng”, ThS Xuân Dung cho biết thêm

Bên cạnh đó, vai trò người giảng viên hướng dẫn trực tiếp ảnh hưởng đến việc nghiên cứu khoa học của sinh viên. Giảng viên hướng dẫn, như người chỉ đường, dẫn dắt sinh viên đến việc khám phá, phân tích, mổ xẻ đến tận cùng đề tài nghiên cứu. Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ sinh học, Trường Đại học Mở TPHCM cho rằng, chính giảng viên hướng dẫn phải là người truyền đam mê nghiên cứu cho sinh viên. Và để làm được việc này hiệu quả, thì chính người giảng viên cũng phải đào sâu nghiên cứu.

“Có thể nói, nếu nhìn vào thầy cô của trường đó như thế nào, sẽ biết được sinh viên của trường đó ra sao. Rất may mắn ở khoa mình có đến 3 nhóm nghiên cứu về Công nghệ sinh học: nhóm Sinh học phân tử y dược; nhóm Vi sinh nông nghiệp và nhóm Thực phẩm. Chính người thầy họ dạy mỗi ngày, họ truyền cảm hứng, họ hướng dẫn sinh viên làm đề tài. Chính những đề tài đó, các bạn có thể sẽ đem dự thi. Bí quyết mình nghĩ đơn giản: hãy là những thầy cô thích nghiên cứu khoa học, tự khắc sinh viên sẽ thích”, ThS Minh nói.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho hay, đối với vấn đề nghiên cứu khoa học của sinh viên, trường đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách cụ thể. Trường chia làm hai hướng tiếp cận. Thứ nhất, khuyến khích sinh viên hệ đại trà tham gia nghiên cứu khoa học, và phát triển mang tính phong trào. Thứ hai, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc đối với sinh viên hệ chất lượng cao của trường, nên việc tham gia nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ hiển nhiên của sinh viên. Sinh viên có thể tham gia hoạt động nghiên cứu ở nhiều hình thức: tham gia vào đề án môn học do giảng viên phân công; cùng làm một vài phần việc nhỏ trong đề tài nghiên cứu của giảng viên; tham gia cùng với giảng viên đi đến các doanh nghiệp để thực hiện đề tài nghiên cứu…So với trước đây, sinh viên giỏi hơn và có nhiều điều kiện hơn trong nghiên cứu.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài dẫn chứng, trong thời đại cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ, người học ngồi bất cứ đâu cũng có thể tiếp cận được dữ liệu trong nước và thế giới. Chương trình đào tạo không còn khép kín nữa mà mang tính liên thông quốc tế. Thêm vào đó, kho học liệu mở của trường đều có các bài nghiên cứu được công bố toàn cầu. Chính môi trường thuận lợi sẽ giúp người học tư duy đề tài, nghiên cứu dễ dàng hơn. “Và cơ hội sẽ tạo ra ý tưởng. Từ ý tưởng, các em có thể tiếp cận với các thầy cô, năng lực được trang bị, được sự hỗ trợ của đoàn, hội, câu lạc bộ, của trường bằng những hình thức khác nhau, sinh viên vừa có cơ hội, có năng lực, được tạo điều kiện thì ý tưởng sẽ biến thành kết quả nghiên cứu của sinh viên. Tuy nhiên, nghiên cứu không phải là chuyện đơn giản, trước tiên sinh viên phải có đam mê. Từ đam mê mới có ý tưởng, mới có công cụ để triển khai ý tưởng đó. Nếu ở hệ đại trà thì không bắt buộc, trường chỉ khuyến khích bằng điểm thưởng, theo như số liệu nắm được thì khoảng 20%, những năm gần đây tăng lên 25%, nhưng không thể hết tất cả được. Nhưng đối với sinh viên chất lượng cao thì đó là bắt buộc”, GS. TS Trọng Hoài cho biết.

Chính quá trình nghiên cứu khoa học ở trường đại học, cộng với sự bồi đắp hàm lượng chất xám, biến thành những dự án khởi nghiệp, hiện thực hóa ý tưởng từ những cuộc thi nghiên cứu khoa học, cuộc thi khởi nghiệp. Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP, là một trong những giám khảo tại cuộc thi về khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ, ban tổ chức đã nhận được rất nhiều bài thi là đề tài, dự án nghiên cứu của các sinh viên có đam mê mong muốn khởi nghiệp, đến từ nhiều trường đại học. Trong đó, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã được phát triển từ các đề tài nghiên cứu khoa học trong trường, các luận văn tốt nghiệp.

“Bây giờ, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên trên địa bàn TP cũng như các tỉnh lân cận, mức độ quan tâm về nông nghiệp, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới, trong sản xuất nông nghiệp...rất được quan tâm. Điều đó chứng tỏ các bạn nhìn nhận các vấn đề mang tính thực tiễn để giải quyết những sự tồn tại, những khó khăn của nền kinh tế đất nước”, ông An nhận định. 

Đánh giá về tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu trong trường đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Nam Khánh Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng, Trường Đại học Tài chính Marketing TPHCM nhận xét, những đề tài nghiên cứu khoa học của khối ngành kinh tế hiện nay không mang tính hàn lâm nhiều nữa mà vừa kết hợp nhu cầu thực tiễn xã hội. PGS. TS Khánh Giao nói: “Toàn bộ những nghiên cứu khoa học gần như không tách rời thực tiễn, nó vẫn sử dụng những công cụ hàn lâm để giải quyết những vấn đề thực tiễn chứ không tách rời. Những nhóm sinh viên quan tâm thì họ mới làm những đề tài đó. Chính nó cũng là đề tài khởi nguồn cho việc khởi nghiệp thành công sau này của sinh viên”.

Trường đại học, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia. Với sứ mạng quan trọng vốn có, trường đại học phải là nơi khơi nguồn cho những tinh hoa, những ý tưởng sáng tạo cho cộng đồng xã hội. Không có thế hệ sinh viên tìm tòi nghiên cứu khoa học, sẽ không có những nhà khởi nghiệp, những người trẻ kiến tạo đất nước. Vì vậy, các trường đại học ở Việt Nam phải dạy cho người học của mình, làm thế nào để luôn đặt ra trong đầu những câu hỏi “tại sao”, bởi vì họ là chủ nhân để giải quyết các bài toán cho đất nước.