Bài 3: Khơi nguồn tư duy nghiên cứu từ thay đổi cách dạy sinh viên

(VOH) - Sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ trở về quê hương với vai trò là nhà khoa học, doanh nhân thành đạt.

Ông là nhà phát minh và đồng phát minh trên 150 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, Canada và hàng chục nước trên thế giới. Với vai trò cá nhân và thông qua các doanh nghiệp công nghệ cao ông điều hành, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã góp một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền giáo dục đại học ở Việt Nam.

Ông còn là diễn giả khơi nguồn cảm hứng, khơi nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ sinh viên dám nghĩ khác và làm khác. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đúc kết, người Việt Nam rất thông minh, nhưng họ lại thiếu môi trường để sáng tạo. Vì vậy, các trường đại học ở Việt Nam phải dạy cho người học của mình, làm thế nào để luôn đặt ra những câu hỏi “tại sao”, đó là khơi nguồn kích thích sinh viên nghiên cứu.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ

VOH: Ông đánh giá môi trường giáo dục đại học của chúng ta hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến việc nghiên cứu khoa học của sinh viên?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Thật ra ở Việt Nam, môi trường đại học của mình không có điều kiện cho nghiên cứu. Cách giảng dạy tại các trường đại học hình như không khuyến khích được người học nghiên cứu khoa học, nếu có thì chỉ có năm cuối để làm đề tài tốt nghiệp thôi. Tôi thấy chuyện sinh viên học đại học, có khả năng nghiên cứu hoặc suy nghĩ về việc nghiên cứu, ở Việt Nam hình như không có, hoặc rất yếu, rất thấp.

VOH: Môi trường giáo dục đại học là một nguyên nhân khiến cho sinh viên không có điều kiện để nghiên cứu khoa học. Vậy còn về phía chính người học, ông nhận xét thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Thông thường khi tôi nhận kỹ sư mới ra trường vào làm công ty, khi phỏng vấn, tôi hay hỏi mỗi tháng gia đình cho bao nhiêu tiền để đi học. Có cháu nói 2 triệu, có cháu nói 3 triệu. Đó là vấn đề ở Việt Nam, đi học là cái nghề, chứ không phải mình đi học để mình có nhiều kiến thức hơn, mình có kỹ năng tốt hơn, sáng tạo hơn để phục vụ cộng đồng.

Tại sao vậy, vì đó là truyền thống, cha mẹ đầu tư cho con đi học nên các con chỉ đua nhau học thôi. Chỉ khi nào mỗi đứa trẻ giống như ở nước ngoài, 18 tuổi là rời gia đình, sống tự lập, tự đi học…thì lúc đó những vấn đề về tự nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng tạo mới có thể tốt hơn. Còn hiện tại, các em lệ thuộc nhiều vào gia đình, không ai muốn trải nghiệm, không ai muốn thử thách. Một khi mình an toàn quá, đầy đủ quá nên mình không muốn làm gì cả.

VOH: Vậy theo ông, nghiên cứu khoa học trong sinh viên, hiểu đơn giản nhất như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Nghiên cứu là để giải pháp một vấn đề thật của cộng đồng, tìm ra hướng giải quyết thật của cộng đồng hoặc là một nhu cầu mới của xã hội. Lúc đó, mình mới nghiên cứu, đưa ra những giải pháp mới để giải quyết những vấn đề đó. Còn trong trường đại học, tôi thấy không có thực tế, nên chuyện nghiên cứu hình như không có.

VOH: Trong bối cảnh của giáo dục đại học Việt Nam hiện tại, làm thế nào để sinh viên thích hoạt động nghiên cứu khoa học?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Cách giảng dạy phải được thay đổi. Khi tôi dạy ở trường Đại học Trà Vinh, Khoa Hóa học ứng dụng, thông thường các bài giảng tôi đều đưa lên trên internet trước và yêu cầu sinh viên phải tải về, đọc trước. Sinh viên phải nộp câu hỏi trước khi vào lớp. Khi vào lớp, sinh viên không có ngồi mà phải đứng để mà học. Trước khi học, các em phải thi 15 phút. Thi xong rồi, tôi không còn dạy nữa mà chỉ trả lời những câu hỏi mà sinh viên đã nộp trước đó thôi.

Cách làm như vậy để làm gì? – Một khi sinh viên đặt câu hỏi, là họ đã nghĩ trong đầu cách giải quyết. Cách mình dạy phải làm sao để sinh viên khi ra đường phải đặt câu hỏi như tại sao chỗ này bị sai, nơi này rác nhiều, nơi kia giao thông ùn tắc, tại sao và tại sao….Khi trong đầu họ có câu hỏi tại sao về những chuyện xảy ra hàng ngày không đúng hoặc chưa được tốt, thì họ sẽ nghĩ ra cách giải quyết. Đó chính là những mầm mống, nguồn gốc của những sáng tạo, để người ta nghiên cứu. Tức là, một người khi có khả năng nghiên cứu mới đưa ra những ý tưởng để người ta làm, người ta đưa ra những sản phẩm, giải pháp cho cộng đồng tốt hơn.

VOH: Khơi nguồn của những dự án khởi nghiệp, luôn được bắt đầu từ nền tảng nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Ông đánh giá mối liên quan này như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Tôi khởi nghiệp rất nhiều lần, và may mắn là tôi luôn thành công. Trong khởi nghiệp, một sinh viên hoặc người mới khởi nghiệp, thông thường khi họ muốn làm ra một sản phẩm, một cách phục vụ mới, họ nhìn trên hai thứ.

Thứ nhất là giá trị, sản phẩm hoặc cách phục vụ họ làm ra.

Thứ hai là tính độc nhất, chỉ có một mình tôi làm được. Hướng thứ hai là nhìn giá trị sản phẩm có giá trị cao, nhưng nhiều người cũng làm được.

Thứ ba là hướng giá trị sản phẩm không cao lắm, ai làm cũng được, như canh tác hữu cơ, canh tác sạch….Tôi nghĩ nhà trường, những chính sách khoa học công nghệ của nước ta đang khuyến khích giảng viên nên ra ngoài thực tế, để biết thực tế mà nghiên cứu. Thông thường, những gì nghiên cứu trong trường đại học, nhất là đại học Việt Nam khi đem ra ngoài ứng dụng thì hơi khó, hoặc chậm lắm. Người Việt Nam rất thông minh, nhưng không có môi trường để họ sáng tạo.

Tại sao tôi về Việt Nam tôi thành công, công ty tôi có rất nhiều bản quyền sản phẩm. Bởi vì tôi tạo ra được môi trường cho người Việt Nam vốn đã thông minh, nay có môi trường để sáng tạo. Sáng tạo cũng như nhạc sĩ, phải có cảm hứng. Khi người ta nhận ra vấn đề sai của cộng đồng cần giải quyết, người ta phải có hứng thú với chuyện đó. Cho nên, muốn trường đại học có sáng tạo trong đó thì phải có môi trường mới hơn, văn minh hơn. Tôi thấy môi trường hiện đại không giúp ai sáng tạo cả, ngay cả viện cũng vậy, khó sáng tạo vì cơ chế gò bó quá.

Do đó, mình phải tạo một môi trường tốt hơn để cho người trẻ sáng tạo. Tôi tin rằng 10 năm nữa, với sự mở cửa của đất nước mình, sự cải tiến trong hệ thống giáo dục đào tạo, sự minh bạch, sẽ trở thành một trong những nước về IT, hoặc IoT. Vì như tôi đã nói, trí tuệ người Việt rất thông minh và rất yêu đất nước mình.

VOH: Cám ơn ông!