Lãnh đạo thành phố lắng nghe nhiều đề xuất, hiến kế, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học về các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình, đề án trong các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của nền kinh tế...
Theo Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Thành phố, hiện nay cơ chế tài chính lạc hậu, không phù hợp thực tiễn. Các giải thưởng quá nhỏ, không đủ chi phí cho nhà khoa học triển khai sáng chế. Vì vậy, thành phố cần có giải pháp xã hội hóa để hỗ trợ nhiều hơn hoạt động nghiên cứu sáng tạo.
Hiện nay, mối liên kết giữa các viện, trường, cơ sở đào tạo với doanh nghiệp chủ yếu là hình thức, chưa tạo ra được giá trị thực sự. Thành phố cần có cơ chế khuyến khích, tạo đà để doanh nghiệp tích cực đầu tư vào khoa học công nghệ.
Về vấn đề tận dụng và huy động nguồn nhân lực, trí thức để xây dựng thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng, việc mời chuyên gia Việt kiều về làm việc cần phải xem xét cụ thể. Quan trọng là cơ chế, chính sách gì để thu hút người giỏi, tận dụng chất xám vào hiến kế cho thành phố phát triển. Đặc biệt, thành phố cần cải cách về tiền lương.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các nhà trí thức, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị trí thức vượt qua khó khăn, cùng cống hiến chất xám, trí tuệ cho sự phát triển chung của thành phố, tiếp tục đưa ra các giải pháp nhanh và có hiệu quả để thực 7 chương trình đột phá. Đồng thời, thành phố sẽ có những chính sách để trí thức, các nhà khoa học phát huy được khả năng của mình.
Ông Thăng nhấn mạnh: “Các nhà khoa học chỉ biết nghiên cứu thôi, làm sao biết làm những thủ tục tài chính kế toán. Cho nên phải xác định giá trị, làm sao để thủ tục đơn giản hơn. Biến khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực của sự phát triển. Có thế chúng ta mới nhanh và mạnh được”.